Nhà Trắng cho biết cuộc trao đổi diễn ra hôm 15/4 vừa qua, Tổng thống Trump và Tướng Haftar đã thảo luận về "những nỗ lực chống khủng bố cũng như sự cần thiết phải đạt được nền hòa bình và ổn định tại Libya".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và tướng Haftar đã có những chia sẻ về "tầm nhìn chung đối với tiến trình chuyển tiếp tại Libya để hướng tới một hệ thống chính trị ổn định, dân chủ".
Hiện tại, giao tranh tại Thủ đô Tripoli của Libya đang diễn ra căng thẳng giữa lực lượng quân đội trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), kiểm soát miền Tây, được quốc tế công nhận với lực lượng LNA (đang kiểm soát miền Đông).
|
Tổng thống Trump đã điện đàm với Tướng Haftar về Libya. |
Cuộc xung đột này đã buộc Liên Hợp Quốc phải hoãn hội nghị quốc gia nhằm vạch ra lộ trình cho cuộc bầu cử tại Libya cuối tháng 4 này. Giao tranh diễn ra ngày 4/4/2019, tướng Haftar tuyên bố sẽ giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước và cáo buộc Thủ tướng Fayez al-Serraj, nhà lãnh đạo GNA là tội phạm quốc gia và cần phải bắt giữ.
Ngày 8/4, Mỹ rút binh lực khỏi Libya với tuyên bố "tình hình đang rất hỗn loạn và Mỹ cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo". Cục diện chính trị tại Libya sau khi liên quân NATO do Mỹ dẫn đầu tấn công tiêu diệt Đại Tá Gadaffi năm 2011 diễn biến như sau.
Mỹ và NATO hậu thuẫn thành lập GNA, được Liên Hợp Quốc công nhận. Năm 2014, Nga cùng một số quốc gia A Rập ở Bắc Phi hậu thuẫn tướng Haftar trở thành lực lượng quân sự hùng mạnh kiểm soát miền Đông Libya - được coi là tường thành ngăn sự phát triển của khủng bố IS ở quốc gia này.
Hôm 18/4, Thủ tướng Fayez al-Serraj lên tiếng cầu cứu "cộng đồng quốc tế" và chỉ trích Mỹ cùng các đồng minh của họ đã không có hành động cụ thể nào tác động vào Hội đồng Bảo an LHQ để ứng cứu Nhà nước hợp pháp của Libya (do chính họ xây dựng).
Ngay sau đó, Nhà Trắng tiết lộ thông tin về cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và Khalifa Haftar. Như vậy, trong thời gian mà Mỹ cân nhắc tình hình ở Libya, họ bắt đầu triển khai các hoạt động xúc tiến kết nối và đàm phán song phương trực tiếp với thủ lĩnh của phe đối lập tại quốc gia Bắc Phi này.
Đây thực chất là một cuộc đàm phán mới của Tổng thống Donald Trump. Và nhìn vào toàn cục diện, ông Trump có gì để mang tới bàn đàm phán? Theo thói quen của "bậc thầy đàm phán" này, ông sẽ chỉ ngồi nói chuyện với đối phương khi đã có lợi thế.
Nhìn vào cục diện chiến trường, sau hàng loạt cuộc tấn công như vũ bão, NLA hiện đang bị cầm chân tại ngoại ô Tripoli. Họ muốn tiến sâu hơn nhưng đang bị chặn lại bởi nỗ lực của GNA và sự chi viện của các nhóm dân quân địa phương miền Tây vừa tăng viện.
Tuy nhiên, khả năng cầm cự của GNA là không cao bởi LNA sở hữu lực lượng không quân mạnh hơn, có thể gây áp đảo tới chiến trường mặt đất. Ngoài ra, LNA nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhiều quốc gia nước ngoài, đáng kể nhất là Nga, Ai Cập, Tiểu vương quốc Ả Rập UAE, và thậm chí là Pháp (Paris không thừa nhận).
|
Các tay súng của LNA. |
Như vậy, tướng Haftar có nhiều lợi thế và không có dấu hiệu sẽ phải xuống nước trước Mỹ, vốn chưa từng có những liên hệ công khai trước đó với LNA. Trong trường hợp này, Tổng thống Trump sẽ toan tính cục diện Libya theo kịch bản nào?
Thứ nhất, Mỹ rút quân và để xúc tiến đàm phán. Như vậy, Washington vẫn đưa ra một cơ hội mở. Khi đó, họ có thể chuyển cánh và ủng hộ Haftar như một thế lực tiếp theo chịu ảnh hưởng của Mỹ điều hành Libya. Song cơ hội này không cao bởi ảnh hưởng của Nga với LNA rất lớn.
Thứ hai, cần chú ý đến chi tiết khủng bố IS bùng phát trở lại ở các khu vực giao tranh và xung quanh miền Trung Libya. Tình trạng này mang hơi hướng Syria rất rõ. Hai thế lực đối đầu nội chiến và khủng bố bùng phát. Cái cớ để Mỹ can thiệp quân sự với danh nghĩa chống khủng bố là rất lớn.
Chỉ có điều, vai diễn đã khác với Syria. Washington sẽ chờ đợi cho khủng bố bùng phát thành nguy cơ thực sự, sau đó nhờ lời mời của GNA để cùng đồng minh tái can thiệp quân sự quy mô lớn tại đây, giống với cách Damascus mời Moscow can thiệp vào Syria.
Nguy cơ Mỹ can thiệp quân sự quy mô lớn là điều kiện có sức nặng nhất mà Washington đưa ra trong bàn đàm phán với NLA. Hoặc chịu ảnh hưởng của Mỹ, hoặc chấp nhận đối đầu.