Theo đó, với 24 phiếu thuận và 17 phiếu chống, Ủy ban gồm 41 thành viên trên đã thông qua nghị quyết cho phép chỉ định các ủy ban và tiểu ban tiến hành các phiên điều trần như một phần trong quá trình điều tra, chất vấn các nhân chứng và đẩy nhanh tiến độ điều tra trong các lĩnh vực có thể gây căng thẳng chính trị đối với Tổng thống và Quốc hội Mỹ.
|
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ vừa thống nhất tiến hành các cuộc điều tra có thể luận tội Tổng thống Mỹ. |
Chủ tịch Ủy ban Jerrold Nadler cho biết, các phiên điều trần sẽ được tiến hành vào tuần tới nhằm điều tra các cáo buộc cản trở công lý và lạm quyền chống lại Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, ủy ban này cũng tuyên bố mở cuộc điều tra liên quan tới các thông tin nghi ngờ ông Trump đã gây áp lực lên chính phủ Ukraine để buộc họ hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
Đồng thời, bên cạnh việc đánh giá những chi tiêu dành cho bất động sản thuộc sở hữu của ông Trump, nhiều nguồn tin cho rằng Ủy ban này cũng sẽ tiến hành điều tra những khoản tiền "im lặng" mà ông Trump chi ra để dập tắt những thông tin gây bất lợi.
Bộ An ninh Nội địa cũng được yêu cầu xem xét liệu Tổng thống có đề nghị ân xá trước cho việc vi phạm pháp luật hay không. Nhiều trát đòi và giấy triệu tập khác cũng nhiều khả năng sẽ được đưa ra.
Các ủy ban khác cũng sẽ điều tra tài chính của Tổng thống Trump. Ủy ban tình báo và ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện đang tìm kiếm hồ sơ từ hai ngân hàng mà ông Trump có quan hệ làm ăn, để xem liệu có dấu vết của "rửa tiền" hay không.
Được biết, cuộc điều tra luận tội ban đầu chỉ là hoạt động giám sát nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, trước khi được Ủy ban Tư Pháp Hạ viện (HJC) do phe Dân chủ nắm đa số chuyển đổi mục đích.
Trước đó, Ủy ban tư pháp cùng ủy ban giám sát và cải cách Hạ viện cùng viết thư gửi tới Nhà Trắng, các cơ quan liên bang và công ty Trump Organization, cho rằng đã có "nhiều lần" Tổng thống Trump và các quan chức chính quyền khác đã sử dụng tiền công để chi trả cho các chuyến đi tới những bất động sản thuộc sở hữu của ông Trump.
Mặc dù vậy, để luận tội được Tổng thống Trump, đề xuất phải được thông qua ở hạ viện và được ít nhất 2/3 thành viên thượng viện phê chuẩn. Sau khi Thượng viện nhận được bản luận tội Tổng thống từ Hạ viện, Chủ tịch ủy ban truất phế của Hạ viện sẽ trình bày bản cáo trạng trước Thượng viện.
Đồng thời, Tổng thống có quyền đưa ra nhân chứng, biện hộ cho những sai phạm của mình. Sau đó, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu kín. Theo Hiến pháp Mỹ quy định, phải đủ 2/3 Thượng nghị sĩ đồng ý thì quyết định truất phế mới có hiệu lực.
Thượng viên Mỹ hiện nay có 100 người, hiện tại chiếm đa số là Đảng Cộng Hòa với 50 ghế, đảng Dân Chủ chiếm 47 ghế, và 2 ghế Độc lập. Do đó, muốn phế truất Tổng thống Donald Trump cần phải có 67 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận sau bản luận tội của Hạ viện. Điều này gần như không thể xảy ra do Thượng viện Mỹ hiện thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là "bước chuẩn bị" của đảng Dân chủ cho cuộc chạy đua khốc liệt vào Nhà Trắng vào năm tới, đặc biệt trong bối cảnh các ứng cử viên của đảng Dân chủ đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử sơ bộ.
Mặc dù Tổng thống Trump vẫn đang được đánh giá có khả năng tái đắc cử, nhưng với tình hình dấu hiệu suy thoái kinh tế đang diễn ra nhanh chóng, cùng cuộc chiến thương mại đang gây ra nhiều tổn thất cho nông dân và doanh nghiệp Mỹ, nếu Tổng thống không có một thành quả mang tính đột phá nào, không loại trừ khả năng ông sẽ bị luận tội ngay sau cuộc bầu cử kết thúc.