Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng hiến pháp do Thủ tướng Anh tạo nên. Theo tòa án có trụ sở ở thủ đô Edinburgh của Scotland, thủ tướng đã lừa dối nữ hoàng khi xin bà đình chỉ Quốc hội.
“Đây là một sự trắng trợn, không tuân theo các quy chuẩn chung của cơ quan công quyền”, Philip Brodie, một trong ba thẩm phán, tuyên bố.
Phán quyết từ Scotland được đưa ra bất chấp việc một phiên tòa sơ bộ ở London tuần trước kết luận rằng việc đình chỉ Quốc hội vừa qua mang tính chính trị, vì vậy tòa án không có thẩm quyền.
Chính phủ đã kháng cáo, và Tòa án Tối cao ở London sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 17/9 xem việc đóng cửa Quốc hội có trái luật hay không.
|
Nữ hoàng Elizabeth chào đón ông Boris Johnson ở Điện Buckingham vào tháng 7. |
“Điều tối quan trọng trong hiến pháp là mối quan hệ giữa thủ tướng và nữ hoàng phải dựa vào lòng tin và thiện chí tuyệt đối”, Dominic Grieve, một cựu tổng chưởng lý theo đảng Bảo thủ, cho biết.
“Thủ tướng có nghĩa vụ trung thực tuyệt đối đối với nữ hoàng khi đề nghị nữ hoàng đưa ra các quyết định thuộc thẩm quyền của bà”, ông nói thêm.
Ông cũng kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson từ chức nếu Tòa án Tối cao đồng ý với phán quyết của tòa án Scotland.
Ông Johnson đang ở vị thế bấp bênh, sau khi sa thải hơn 20 nghị sĩ đảng mình đã không bỏ phiếu theo ý ông vào tuần trước.
Với việc Quốc hội bị đình chỉ, ông đã tránh được buổi chất vấn hàng tuần bởi các nghị sĩ, và thay vào đó đã lên Facebook để trả lời các câu hỏi từ cử tri về việc Anh rời EU.
Ngày 11/9, chính phủ Anh công bố bản chiến lược cho trường hợp Anh rời khỏi EU không thỏa thuận. Nhưng chỉ có 6 trang, tài liệu này không khiến công chúng hay Quốc hội Anh an lòng, khi nhắc đến các tình huống khan hiếm hàng hóa, bất ổn, đình trệ trong việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu như thuốc men.
Chính phủ thừa nhận sự ngưng trệ ở sân bay và cảng có thể kéo dài tới ba tháng, và giá lương thực tăng lên có thể ảnh hưởng nặng nhất đến những người nghèo trong xã hội.
Mời độc giả xem thêm video về Thủ tướng Anh Boris Johnson (Nguồn: The Guardian)