Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/7 (giờ địa phương) tuyên bố sẽ áp thuế quan lên sản phẩm rượu vang của Pháp nhằm trả đũa cho đề xuất thuế quan gần đây của Paris đánh thuế vào các công ty công nghệ trong đó có các công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Phát biểu tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên rằng, quyết định đánh thuế công nghệ của Pháp là một sự sai lầm. Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ đánh thuế lên mặt hàng xuất khẩu chính của Pháp.
|
Tổng thống Trump cảnh báo Pháp sẽ chịu thuế quan đối với rượu vang nếu đánh thuế kỹ thuật số. |
"Họ không nên làm điều này... Tôi đã nói với họ rằng: 'Đừng làm điều đó. Bởi nếu Pháp làm điều đó, tôi sẽ đánh thuế lên rượu vang của Pháp'" - ông Donald Trump tường thuật lại.
Vài phút sau, Tổng thống Mỹ cho rằng, các đáp trả của Mỹ sẽ sớm được công bố. Mặt hàng bị tăng thuế có thể là rượu vang, cũng có thể là các mặt hàng khác.
Theo lời Tổng thống Trump, ông đã trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về thuế kỹ thuật số mới được Thượng viện Pháp thông qua. Tổng thống Mỹ đã bày tỏ lo ngại về loại thuế này.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ tweet trên trang Twitter cá nhân: "Nếu có ai đánh thuế họ [các công ty công nghệ Mỹ - ND], thì đó phải là Quốc gia của họ - nước Mỹ. Chúng tôi sẽ công bố một hành động đối ứng đáng kể về sự dại dột của Macron, trong thời gian ngắn thôi.. Tôi luôn nói rằng rượu vang của Mỹ tốt hơn rượu vang Pháp!"
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi qua điện thoại vào ngày 26/7 nhằm thảo luận về thuế quan và hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới của nhóm G7 được tổ chức tại Pháp.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết Mỹ đã vô cùng thất vọng trước quyết định của Pháp trong việc áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty và công nhân Mỹ. Biện pháp đơn phương của Pháp dường như nhắm vào các công ty công nghệ tiên tiến của Mỹ đã cung cấp dịch vụ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Pháp.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron |
Ông Judd Deere cho biết thêm, Nhà Trắng đang xem xét kỹ lưỡng mọi công cụ chính sách khác để phản ứng với động thái từ Paris.
Phòng Thương mại Mỹ thì cho biết, thuế dịch vụ kỹ thuật số mới của Pháp gần như hoàn toàn nhắm vào các công ty Mỹ và chủ yếu bỏ qua các công ty Pháp.
Trong khi đó, thông báo từ Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp cho biết, hội nghị G7 sắp tới sẽ là "một cơ hội quan trọng để tiến tới đánh thuế kỹ thuật số trên toàn cầu", "vì lợi ích chung". Pháp cam kết sẽ làm việc nhiều hơn để thúc đẩy các nước trên thế giới hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về loại thuế này.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã lập tức phản ứng về dòng tweet của Tổng thống Trump liên quan đến khả năng Mỹ đánh thuế lên rượu vang của Pháp.
Theo đó, ông Le Maire cho rằng, Mỹ không nên "trộn lẫn" các loại thuế quan vào với nhau và kêu gọi Mỹ ngừng đưa thuế quan thương mại vào cuộc tranh luận về cách tăng thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số.
Ông Le Maire cho rằng, không đánh thuế kỹ thuật số mới là sự bất công bằng.
Ông Le Maire nói trong một cuộc họp báo và nói bằng tiếng Anh: "Đây là lợi ích của chúng tôi hướng tới một loại thuế kỹ thuật số công bằng. Xin vui lòng không trộn lẫn 2 vấn đề này với nhau. Câu hỏi quan trọng bây giờ là làm thế nào chúng ta có sự đồng thuận về việc đánh thuế một cách công bằng đối với hoạt động kỹ thuật số".
Ông Le Maire không quên nhấn mạnh rằng, Pháp mong muốn các nhà lãnh đạo của nhóm các quốc gia G7 đồng ý về nguyên tắc đối với hoạt động đánh thuế kỹ thuật số trên toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Tuyên bố cho thấy quan điểm rõ ràng của Paris, không có đường lui cho thuế kỹ thuật số.
Hiện, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho rượu vang và rượu mạnh của Pháp. Năm 2018, Mỹ chiếm gần một phần tư lượng xuất khẩu rượu vang của Pháp, tương đương trị giá 3,2 tỷ euro (3,6 tỷ USD).
Nếu ông Trump kiên quyết với quyết định đánh thuế rượu vang, mặt hàng này của Pháp sẽ phải đối phó với một cơn cuồng phong mới.
Hai tuần trước, Thượng viện Pháp đã phê duyệt mức thuế 3% doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số kiếm được ở Pháp đối với các công ty có doanh thu hơn 25 triệu euro ở Pháp và 750 triệu euro (834 triệu USD) trên toàn thế giới.
Các quốc gia EU khác, bao gồm Áo, Anh, Tây Ban Nha và Ý, cũng đã công bố kế hoạch cho thuế kỹ thuật số của riêng họ.
Các quốc gia châu Âu đồng thuận với việc cần có một khoản thuế cho loại hình kỹ thuật số bởi các công ty Internet lớn, đa quốc gia như Facebook và Amazon có thể đặt lợi nhuận ở các quốc gia có thuế thấp như Ireland, bất kể doanh thu bắt nguồn từ đâu.
Đầu tháng này, Mỹ đã đe dọa thuế quan đối với hàng hóa trị giá hơn 4 tỷ USD của Liên minh châu Âu, bao gồm rượu vang, phô mai và rượu whisky. Đợt thuế quan có thể bị áp đặt này được cho là một phần của cuộc tranh chấp kéo dài gần 15 năm tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ cấp đối với các nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và đối thủ châu Âu - Airbus.