Toàn cầu hóa nhưng phụ nữ Ấn Độ vẫn “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”

Google News

Tại Ấn Độ, bất chấp các tư tưởng tự do tình yêu-hôn nhân của phương Tây đang tràn ngập trong lòng xã hội nước này, quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” vẫn đứng vững và khó có thể bị từ bỏ trong thời gian ngắn.

Hôn nhân sắp đặt vẫn là một quan niệm truyền thống phổ biến tại Ấn Độ. Ảnh: Business Insider. 
Nhìn bề ngoài, Naina (20 tuổi) không khác gì những người phụ nữ phương Tây hiện đại: học Đại học, mặc quần jean và áo phông, đi chơi với bạn bè ở các trung tâm thương mại hay ngồi tụ tập ở các quán cá phê,...
Thế nhưng, quan điểm của Naina về hôn nhân sẽ khiến những người phụ nữ phương Tây cùng tuổi phải kinh ngạc.
“Tôi hoàn toàn đồng ý với việc cha mẹ chọn vợ/chồng cho con cái” – Naina chia sẻ. “Không phải là hôn nhân tình yêu là gì sai trái nhưng quan điểm này đã gắn liền với tôi rồi”.
Naina không phải là người phụ nữ thành thị Ấn Độ duy nhất cảm thấy như vậy. Theo CNN, nhiều cô gái trẻ ở Ấn Độ - dù có tư tưởng tự do như thế nào hay thông minh, tự tin, độc lập và tràn ngập cảm hứng để hướng tới thành công trong cuộc sống ra sao – vẫn thích việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Quan niệm khó từ bỏ
Trong quá khứ, phụ nữ Ấn Độ luôn phải nghe theo lời bố mẹ trong chuyện lập gia đình, dẫn đến chuyện nhiều cô dâu chỉ mới gặp chú rể 1-2 lần trước đám cưới.
Thế nhưng ngày nay, xã hội Ấn Độ đã thay đổi rất nhiều. Toàn cầu hóa đã mang tới xứ sở cà ri không chỉ các mặt hàng mới, hiện đại mà còn cả tư tưởng của phương Tây. Tuy nhiên, dù xã hội, văn hóa có phát triển như thế nào, quan niệm “hôn nhân sắp đặt” vẫn còn đó, đứng sừng sững trước văn hóa phương Tây, văn hóa Mỹ về tự do tình yêu đang du nhập ào ạt vào Ấn Độ.
Theo bà Elizabeth Flock – tác giả cuốn sách “Trái tim là biển động”, xã hội Ấn Độ chưa sẵn sàng cho các tư tưởng hôn nhân “tiến bộ” và việc phân biệt tôn giáo/tầng lớp xã hội vẫn còn là một vật cản lớn với những đôi tình nhân trẻ.
“Tình dục trước hôn nhân, ngoại tình,… phụ nữ Ấn Độ đang thử thách các ‘giới hạn’ của xã hội” – bà Flock nhận định. “Tuy nhiên, xã hội Ấn Độ vẫn rất gắn bó với kiểu hôn nhân truyền thống và tôi nghĩ điều đó sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều”.
Tại Ấn Độ, hôn nhân đồng nghĩa với việc người vợ phải cống hiến, chăm sóc, hi sinh và nghĩa vụ với chồng của mình. Một cuộc hôn nhân sắp đặt giống như một hợp đồng được ký kết và phải hoàn thành – suốt cuộc đời.
Nếu người vợ may mắn, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.
“Cha mẹ biết điều gì là tốt nhất”
Nói chuyện với CNN, Naina và nhiều phụ nữ khác giải thích: “Hôn nhân sắp đặt” thuận tiện hơn nhiều so với việc đi tìm “người đàn ông hoàn hảo”. Theo Naina, cha mẹ biết điều gì là tốt nhất cho con gái và trong trường hợp hôn nhân “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, người con gái sẽ không phải lãnh trách nhiệm – lựa chọn có vẻ như đầy an toàn với Naina và nhiều cô gái trẻ khác.
“Nếu có vấn đề kéo dài, tôi sẽ đổ hết lỗi cho cha mẹ” – Naina nói.
Parvati – một người phụ nữ Ấn Độ từng là nhân vật chính trong “Trái tim là biển động” của tác giả Flock – cũng có suy nghĩ gần giống như vậy. Trong quá khứ, cô từng yêu điên cuồng một người đàn ông trong mơ nhưng cuối cùng đã nghe lời cha mẹ để lấy người khác. Và bây giờ, trong hiện tại, cô cũng muốn con gái mình thực hiện điều đó. Lý do là Parvati - theo lời bà Flock thuật lại - cho rằng, cách truyền thống vẫn tốt và mang tới sự ổn định hơn là một cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu.
Theo Tiểu Đào/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)