Các công tố viên Mỹ cáo buộc một giáo sư Trung Quốc tội danh lừa đảo vì cho rằng ông này đã lấy cắp công nghệ từ một công ty ở Califonia để làm lợi cho Huawei. Đây được coi là một “phát súng” khác nhằm vào nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc - theo Reuters.
Theo thông tin từ tòa án, giáo sư người Trung Quốc, có tên là Bo Mao, bị bắt tại bang Texas hôm 14/8, và sau đó 6 ngày, được cho tại ngoại khi nộp đủ 100.000 USD và đồng ý sẽ tiếp tục phục vụ điều tra tại New York.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử cấp quận ở Brooklyn hôm 28/8, ông Bo Mao không chịu nhận tội danh cấu kết để gian lận tài chính liên quan đến việc việc sử dụng viễn thông hoặc công nghệ thông tin.
|
Logo Huawei tại Hội chợ hàng công nghệ tiêu dùng IFA ở Berlin, Đức ngày 6/9/2019. (Ảnh: Reuters)
|
Theo đơn tố cáo, ông Mao đã tham gia thỏa thuận với một công ty công nghệ giấu tên ở Califonia để có được bảng mạch của công ty này, với khẳng định rằng công việc này là vì mục đích nghiên cứu khoa học.
Đơn tố cáo cũng cáo buộc một tập đoàn viễn thông không xác định của Trung Quốc, mà theo các nguồn tin nói đó chính là Huawei, đã cố gắng đánh cắp công nghệ, đồng thời khẳng định ông Mao có đóng vai trò là một đầu mối trong kế hoạch này. Một tài liệu khác của tòa án cũng cho thấy vụ việc có liên quan đến Huawei.
Ông Mao - một giáo sư tại Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), đồng thời cũng mới trở thành giáo sư thỉnh giảng tại một trường đại học ở bang Texas từ mùa thu năm ngoái – lần đầu tiên được dư luận chú ý đến khi ông có liên quan đến một vụ án dân sự khác ở bang Texas giữa Huawei và công ty khởi nghiệp CNEX Labs ở thung lũng Silicon.
Vào tháng 12/2017, Huawei khởi kiện CNEX và một cựu nhân viên là ông Yiren Huang với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại. Ông Huang, cựu giám đốc kỹ thuật tại một công ty con của Huawei, đã giúp thành lập công ty CNEX năm 2013, chỉ 3 ngày sau khi rời công ty.
Trong lập luận phản tố của mình, CNEX cho biết ông Mao đã yêu cầu cung cấp một trong các bảng mạch của công ty này để phục vụ cho dự án nghiên cứu, và sau khi bàn giao bảng mạch cho giáo sư, ông này đã sử dụng nó cho một nghiên cứu có liên quan tới Huawei.
Vụ án kết thúc vào tháng 6 với một bản án “bằng hòa”. Một mặt, bồi thẩm đoàn không thấy CNEX đánh cắp bí mật thương mại, nhưng mặt khác, lại ra phán quyết ông Huang vi phạm hợp đồng lao động khi không thông báo với công ty về những quyền sáng chế ông này nhận được trong 1 năm rời đi.
Bồi thẩm đoàn nhận thấy Huawei không chịu tổn hại nào và cũng không gây ra bất cứ thiệt hại nào. Bồi thẩm đoàn mặc dù xác đinh Huawei đã chiếm đoạt một bí mật thương mại của CNEX, nhưng CNEX cũng không được bồi thường thiệt hại.
Giờ đây, tại Brooklyn các công tố viên Mỹ lại có vụ kiện khác chống lại Huawei với cáo buộc gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Mặc dù chưa bị buộc tội, nhưng Huawei cho biết họ xem vụ kiện chống lại ông Mao là trường hợp “truy tố có chọn lọc” mới nhất của chính phủ Mỹ.