Những tuyên bố lạc quan của cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng thời gian đối thoại kéo dài gần gấp đôi so với dự kiến cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga hôm 16/7 tại Helsinki (Phần Lan) đã đạt được không ít kết quả thực tiễn, dù chặng đường để hàn gắn mối quan hệ vốn căng thẳng nhiều năm qua giữa hai bên còn nhiều chông gai.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. |
Sự “xích lại gần nhau” về quan điểm giữa hai nhà lãnh đạo đã được nhắc tới, từ giải quyết cuộc khủng hoảng Syria trên cơ sở tuân thủ chủ quyền quốc gia và ưu tiên cho sự ổn định và tính hợp pháp, sự hiểu biết lẫn nhau về cấu trúc an ninh tập thể ở Trung Đông, tới mở rộng đối thoại về ổn định chiến lược. Đặc biệt, đáng chú ý là thái độ mềm mỏng của lãnh đạo Mỹ về hai vấn đề gai góc: Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Trong vấn đề thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đã “chiến thắng” khi Tổng thống Donald Trump gọi cáo buộc nhằm vào Nga là “sai lầm” và chính là nguyên nhân phá hỏng quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua.
Kết quả cuộc gặp thậm chí còn được cụ thể hóa ở việc hai bên nhất trí thành lập hai cơ cấu: nhóm cấp cao tập trung các “ông lớn” của giới kinh doanh và hội đồng các chuyên gia chính trị học có uy tín. Thực sự, hai cơ cấu này bao trùm hai nhánh quan trọng tạo nên xương sống của quan hệ song phương là kinh tế và chính trị.
Không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực trên cho thấy tổng thống hai cường quốc có quan hệ ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đang nỗ lực tạo ra một “luật chơi” mới, và quan trọng hơn, “luật chơi” đó không có quan điểm đối đầu thù địch. Cả Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đều khẳng định “Chiến tranh Lạnh đã qua đi” và rằng “đối thoại là việc cần thiết không chỉ cho Nga và Mỹ, mà còn cho cả hệ thống an ninh toàn cầu”. Hai bên đã có thể đối thoại cởi mở về những vấn đề chung và đây rõ ràng được coi là bước khởi đầu suôn sẻ của những cuộc gặp kế tiếp. Trong bối cảnh quan hệ hai nước còn rất nhiều rào cản để có thể tiến tới bình thường hóa thì cuộc gặp ở Helsinki là “chìa khóa” mở ra giai đoạn mới, tạo tiền đề cho những bước đột phá trong quan hệ song phương giữa hai “cựu thù” thời Chiến tranh Lạnh và đến nay vẫn là hai đối thủ luôn cạnh tranh ảnh hưởng với nhau trong các vấn đề quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận cuộc gặp lịch sử mới chỉ tạo ra cơ hội, còn việc triển khai những thỏa thuận, hay xa hơn là đưa quan hệ Nga-Mỹ trở lại quỹ đạo hợp tác, là một chặng đường đầy chông gai. Dấu hiệu khó khăn đã nảy sinh ngay từ cách đánh giá của Nga và Mỹ sau sự kiện này. Ngay sau cuộc gặp, giới lập pháp tại Nga đã đưa ra nhiều đánh giá khá tích cực. Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko cho rằng Tổng thống Nga và Mỹ đã thiết lập được bầu không khí tin cậy. Cuộc gặp này không chỉ đóng vai trò to lớn trong việc thiết lập đối thoại chính trị giữa hai bên, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định trên thế giới. Người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang Konstantin Kosachev cho rằng các kết quả đạt được tại cuộc gặp là “nhiều nhất có thể”, và coi đây là sự khởi đầu tốt đẹp để khôi phục hợp tác giữa hai nước trên cơ sở hệ thống và thường xuyên.
Trong khi đó, bên kia đại dương, giới nghị sĩ Mỹ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều bày tỏ sự không hài lòng về cuộc gặp này, cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ" để Tổng thống Trump quy trách nhiệm cho Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer còn hối thúc Quốc hội Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga và kêu gọi nhóm an ninh quốc gia tháp tùng Tổng thống Trump tới Helsinki phải ngay lập tức điều trần trước Quốc hội. Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vốn chỉ là một công cụ gây sức ép với Tổng thống Trump, song cho đến nay, có vẻ nó đã trở thành chủ đề bắt buộc trong các nội dung nghị sự tại Mỹ.
Chưa rõ, Tổng thống Mỹ Trump sẽ hứng chịu thêm những chỉ trích gì từ cuộc gặp này, song phản ứng bước đầu tại Mỹ một lần nữa bộc lộ sự chia rẽ gay gắt trên chính trường Mỹ trong các vấn đề liên quan tới Nga, và đây chắc chắn là rào cản cho mọi nỗ lực của Tổng thống Trump nếu ông muốn cải thiện quan hệ với Nga. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang tới gần, những phản ứng trên có thể gây xáo trộn thêm chính trường Mỹ và có thể ảnh hưởng tới những nỗ lực của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sau cuộc gặp Helsinki, những tuyên bố cần được thực hiện, các cuộc gặp cấp chuyên gia cần được tiến hành, các cơ chế hợp tác hay ít nhất là liên lạc cần được ra đời. Tuy nhiên, quan hệ Nga-Mỹ xưa nay có truyền thống bắt đầu chu kỳ mới chính từ cuộc gặp cá nhân giữa hai tổng thống. Và lần này, dư luận cũng hy vọng truyền thống ấy sẽ được tiếp nối. Ý chí chính trị giữa hai nhà lãnh đạo đã được thể hiện, tín hiệu về một cơ hội đối thoại cũng đã được phát đi. Ngôn ngữ thực dụng mà tổng thống hai nước cùng sử dụng đã giúp họ đưa ra một tuyên ngôn mới với thế giới: Nga và Mỹ là đối thủ cạnh tranh, song không nhất thiết là kẻ thù. Vai trò của cả hai nước trong các vấn đề quốc tế quá lớn khiến việc kéo dài tình thế “bác bỏ lẫn nhau” giữa Nga và Mỹ hầu như là điều không thể.