Động cơ của vụ tấn công - xảy ra ở tỉnh East Azerbaijan của Iran - vẫn chưa được làm rõ, mặc dù nó nhắm vào một tân thống đốc tỉnh từng phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng bán quân sự của nước này. Ông này được cho là có thời điểm bị lực lượng nổi dậy ở Syria bắt cóc.
Một nguồn tin cho biết sự việc liên quan tới vấn đề cá nhân, theo Guardian.
Vị tân thống đốc - chuẩn tướng Abedin Khorram - đang ở trên bục phát biểu nhậm chức ở Tabriz - thủ phủ tỉnh East Azerbaijan - khi người đàn ông sải bước trên sân khấu và vung tay tát mạnh vào mặt ông.
Video do truyền hình nhà nước phát sóng ghi lại cảnh đám đông kinh ngạc và tiếng tát lớn trên sân khấu. Vài giây sau, lực lượng an ninh mặc thường phục lao tới và tiếp cận người gây rối. Họ lôi người này qua một cánh cửa phụ và kéo rèm xuống.
|
Tân thống đốc tỉnh East Azerbaijan - chuẩn tướng Abedin Khorram- bị tát mạnh vào mặt khi đang ở trên bục nhậm chức. Ảnh: Cắt từ video do đài truyền hình nhà nước Iran phát sóng.
|
Cảnh quay sau đó cho thấy ông Khorram quay trở lại sân khấu để nói chuyện với đám đông đang bất an và lúc này đều đã đứng dậy.
“Tất nhiên tôi không biết anh ta nhưng quý vị nên biết rằng - tôi cũng không muốn kể ra - khi tôi ở Syria, tôi bị kẻ thù quất roi 10 lần một ngày và bị đánh đập” - ông nói. “Hơn 10 lần, họ dí súng vào đầu tôi. Tôi coi anh ta ngang hàng với những kẻ thù đó nhưng hãy tha thứ cho anh ta ”.
Mặc dù Khorram nói rằng ông không biết người đã tát mình, hãng thông tấn IRNA của nhà nước sau đó mô tả người này là một thành viên của Lực lượng Ashoura mà ông Khorram từng quản lý. IRNA mô tả cuộc tấn công là do "vấn đề cá nhân", nhưng không giải thích chi tiết.
Sau đó, hãng thông tấn bán chính thức Fars cho biết người đàn ông tát tân thống đốc từng phẫn nộ khi vợ mình được một nam y tá tiêm vaccine ngừa Covid-19 chứ không phải nữ y tá.
Ông Khorram gần đây đã được quốc hội theo đường lối cứng rắn của Iran đề cử làm thống đốc tỉnh dưới chính quyền của Ebrahim Raisi, người được lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, xác nhận là tổng thống trong cuộc bầu cử năm nay.
Ông từng nằm trong số 48 người Iran bị bắt làm con tin vào năm 2013 tại Syria, sau đó được thả để trao đổi với 2.130 người thuộc lực lượng nổi dậy Syria.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh nhiều người Iran giận dữ vì tình hình kinh tế bấp bênh trong khi nước này vẫn hỗ trợ ra nước ngoài cho các lực lượng trong khu vực, bao gồm cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nền kinh tế của Iran đã bị sa sút kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân của Tehran với các cường quốc trên thế giới vào năm 2018.