Đó là nhận định với Zing của giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, về tuyên bố mới của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Mỹ về Biển Đông vì Washington bước ra khỏi quan điểm trước đây của mình là “không đứng về bên nào” trong tranh chấp trên biển, để đứng về phía phán quyết của Tòa trọng tài PCA trong vụ kiện chống lại Trung Quốc (ở Biển Đông) do Philippines khởi xướng (năm 2016)”, ông nói.
Bác bỏ hoàn toàn "đường chín đoạn" phi lý
Trong tuyên bố được ông Pompeo gọi là “sự tăng cường chính sách của Mỹ” này , người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định “những yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của họ. Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, thống nhất với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”, ông Pompeo nhấn mạnh.
|
Trực thăng MH-60R Sea Hawk trên boong tàu USS Ronald Reagan (CVN 76), phía trước là tàu USS Mustin (DDG 89) tại Biển Đông hôm 9/7. Ảnh: AP.
|
Theo đánh giá của giáo sư Thayer, tuyên bố của ông Pompeo đánh dấu sự khởi đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, vượt ra khỏi chính sách trước đây, và gắn kết Washington với các lập trường pháp lý của các nước duyên hải đã gửi Công hàm Ngoại giao (Note Verbales) tới Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) từ cuối năm 2019.
“Các nước ven biển đã gửi Công hàm Ngoại giao tới Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa gồm có Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Riêng Brunei vẫn im lặng. Tất cả các bên này nay đều đã ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài PCA bác bỏ yêu sách của Trung Quốc với đường chín đoạn và gọi yêu sách này là hoàn toàn không có có sở về luật pháp quốc tế”.
Theo chuyên gia nghiên cứu và phân tích an ninh hàng hải Collin Koh tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Singapore, sau vụ kiện của Philillipines lên Tòa Trọng tài PCA, Mỹ vốn đã đề nghị các bên tuân thủ phán quyết được đưa ra, song tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo có những điểm mới.
"Điểm mới là nay Mỹ đã quyết đoán hơn trong việc đẩy mạnh vấn đề với cách thể hiện tích cực hơn, liên quan đến tranh chấp trên biển và đường chín đoạn", ông Collin Koh nói với Washington Post. "Đó là tuyên bố được viết rất công phu và có thể được coi là sự diễn giải chính sách kỹ lưỡng hơn".
Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức bác bỏ từng luận điểm cụ thể của Trung Quốc với các yêu sách trên Biển Đông. Ông Pompeo khẳng định Washington bác bỏ bất cứ tuyên bố nào của Trung Quốc đối với vùng biển “bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố".
Trung Quốc không thể đưa ra cơ sở hợp pháp nào cho yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, đồng thời ông nêu rõ Mỹ bác bỏ bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi đá Luconia ngoài khơi Malaysia, các vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Brunei, và vùng biển quanh đảo Natuna Besar của Indonesia.
Ngoại trưởng Pompeo cũng ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài PCA rằng Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với bãi cạn James, bãi ngầm cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý.
Lợi thế cho các nước ASEAN
Theo bà Elizabeth Economy, Giám đốc các chương trình nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Mỹ, tuyên bố của ông Pompeo báo hiệu Washington sẽ củng cố sự ủng hộ cho phán quyết của Tòa Trọng tài PCA và “dường như sẽ khuyến khích các nước khác ủng hộ tích cực hơn với phán quyết này”.
Trong khi đó, ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines cho rằng lập trường cứng rắn hơn của Mỹ mang lại lợi thế cho các nước ASEAN trong đàm phán bởi họ biết rằng lập trường của họ nhận được sự ủng hộ quốc tế sâu rộng hơn so với Trung Quốc”.
|
Tàu sân bay USS Nimitz vào cảng ở Seoul, Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: AP.
|
“Việc tuyên bố rằng các yêu sách và hành động quá đáng của Bắc Kinh là phi pháp sẽ thiếp lập tiền đề cho sự hợp tác và phối hợp chính sách giữa Mỹ và các nước liên quan ở Đông Nam Á chống lại các hoạt động của Trung Quốc”, ông Batongbacal nói.
Chưa đầy 24 giờ sau tuyên bố mạnh mẽ chưa từng thấy của Ngoại trưởng Pompeo về Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell đi xa hơn khi thẳng thừng chỉ trích Bắc Kinh đang đe dọa trật tự đã tồn tại hàng thập kỷ ở châu Á. Ông Stilwell cũng tuyên bố Washington để ngỏ khả năng trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan tới các hành vi phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vì sao chọn thời điểm này?
Theo phân tích của giáo sư Thayer, về tính thời điểm, có bốn nguyên nhân cho những động thái mạnh mẽ trên của Mỹ về Biển Đông.
Thứ nhất, đây là thời điểm đánh dấu 4 năm kể từ phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện chống lại Trung Quốc về Biển Đông của Philippines.
Lý do thứ hai cho động thái mới nhất của Mỹ ở Biển Đông, là cũng như tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, điều này là để gắn kết lập trường của Mỹ với quyết định của Tòa Trọng tài bác bỏ những yêu sách trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nguyên nhân thứ ba là để thêm sức nặng vào sự phản đối của Mỹ với những hành động bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc nhằm vào các nước ven biển ở Đông Nam Á, và sự phản đối này của Washington nay đã vượt ra ngoài những tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải và hàng không được nhấn mạnh nhiều lần trước đó.
Thứ tư, tuyên bố của ông Pompeo đưa ra vào thời điểm này nhằm tăng cường luận điệu chống Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Mỹ được cho là sẽ có những bước đi quyết đoán hơn về vấn đề Biển Đông, sau những tuyên bố thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ và rõ ràng nhất từ trước tới này với phán quyết của Tòa Trọng tài PCA bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chia sẻ với Zing, ông Dov Zakheim, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện là cố vấn cấp cao Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng có thể có hai bước đi có khả năng nhất: một là các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh, nhưng những biện pháp này có thể không liên quan trực tiếp tới các hoạt động ở Biển Đông. “Bước đi nữa có thể hiệu quả hơn là tăng cường các cuộc tập trận đa phương, đưa các nước ven biển (Đông Nam Á), cùng các nước như Anh, Pháp, Nhật, Austrailia và tất nhiên cả Mỹ cùng tham gia”, ông Zakheim nói.