Theo Bloomberg, tháng trước, nhà chức trách Trung Quốc phải can thiệp để chặn làn sóng rút tiền từ hai ngân hàng địa phương ở Hà Bắc và Sơn Tây. Đến ngày 11/7, khách hàng ồ ạt đến rút tiền ở ngân hàng Hengshui cũng tại Hà Bắc trước khi cảnh sát can thiệp.
Phản ứng lại, các văn phòng địa phương của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) khẳng định ngân hàng Hengshui và các chi nhánh là những tổ chức tài chính hợp pháp, do đó các khoản tiết kiệm dưới 500.000 NDT (71.422 USD) được đảm bảo theo luật bảo hiểm tiền gửi của Trung Quốc.
Hai cơ quan này nhấn mạnh các khoản tiền gửi tiết kiệm là an toàn và kêu gọi người dân không ồ ạt rút tiền "một cách mù quáng" vì tin đồn trên mạng xã hội. Trước đó, thông tin Trung Quốc thiếu tiền mặt và các ngân hàng sụp đổ được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
|
Người dân đổ xô đến một ngân hàng ở Giang Tô để rút tiền. Ảnh: Reuters. |
CBIRC và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khẳng định cảnh sát nước này đã bắt giữ và xử phạt một số người tung tin đồn. Trong khi đó, ngân hàng Hengshui Bank cũng cho biết chính quyền Hà Bắc đã xử lý vụ việc.
Hiện tượng rút tiền bùng lên ở Hà Bắc sau khi nhà chức trách áp dụng chương trình hạn chế các giao dịch quy mô lớn trong tỉnh. Chương trình thử nghiệm kéo dài 2 năm, sẽ được mở rộng tại Chiết Giang và Thâm Quyến từ tháng 10. Theo đó, khách hàng rút hoặc gửi 100.000-300.000 NDT (14.000-42.000 USD) sẽ phải thông báo trước.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc có quy mô 43.000 tỷ USD với hơn 1 tỷ người có tài khoản ngân hàng. Các hộ gia đình ở Trung Quốc gửi tiết kiệm khoảng 90.000 tỷ NDT, tương đương 13.000 tỷ USD, cao nhất thế giới.
Theo Bloomberg, sau một số vụ giải cứu và tiếp quản ngân hàng, dịch Covid-19 gây những tác động lớn lên hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Giới đầu tư đặc biệt lo ngại sau vụ chính quyền Trung Quốc tịch thu ngân hàng Baoshang hồi năm ngoái. Cuối tuần trước, CBIRC một lần nữa cảnh báo các ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng vì nền kinh tế tăng trưởng yếu ớt sau dịch Covid-19.
"Quan niệm về sự an toàn khi gửi tiền ngân hàng đã thay đổi tại Trung Quốc. Khi tin đồn lan truyền trên mạng, ngân hàng lập tức đối mặt với rủi ro", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Zhang Shuaishuai thuộc China International Capital Corp nhận định.
Theo CBIRC, tình trạng quản lý kém tại các ngân hàng, khả năng trả nợ của cá nhân và doanh nghiệp bị hạn chế là những vấn đề chưa được giải quyết. Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng chủ động cắt giảm lợi nhuận 1.500 tỷ NDT (214 tỷ USD) thông qua cắt giảm lãi suất và phí, hoãn thu nợ và nới lỏng các quy định cho vay để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ.
Chính quyền Trung Quốc quản lý và giám sát hệ thống hơn 3.000 ngân hàng, bao gồm nhiều các ngân hàng nhỏ, hoạt động ở nông thôn. Bắc Kinh đang xem xét việc cho phép chính quyền các địa phương sử dụng 200 tỷ NDT (28,5 tỷ USD) từ phát hành trái phiếu để hỗ trợ vốn cho các tổ chức tài chính nhỏ.
S&P Global dự báo ngành ngân hàng Trung Quốc sẽ chứng kiến nợ xấu tăng thêm 8.000 tỷ NDT (1.143 tỷ USD) trong năm nay. UBS Group AG cho biết các ngân hàng nhỏ Trung Quốc thiếu hụt 349 tỷ USD vốn. Điều này đồng nghĩa với mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ lao dốc.
“Trung Quốc có quá nhiều ngân hàng. Nhiều ngân hàng quá yếu về quản trị và doanh thu. Phương pháp tốt hơn vào lúc này là cần chủ động thực hiện tái cấu trúc các ngân hàng nông thôn”, nhà phân tích Zhang Shuaishuai đánh giá.