Quy hoạch sông Hồng: Bản gốc Seoul cải tạo…học hỏi thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Hà Nội gần đây khởi động lại quy hoạch hai bờ sông Hồng. Quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông cơ bản còn nguyên vẹn được coi là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một "Seoul thứ hai".

Thông tin Hà Nội gần đây tái khởi động quy hoạch sông Hồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 8/7 cho biết thành phố từng thống nhất với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn quy hoạch đê sông Hồng theo hướng kết hợp với đường giao thông. 
Trên cơ sở đó, đoạn sông Hồng qua nội thành Hà Nội, nhất là đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy, sẽ được quy hoạch, chỉnh trang giống như sông Hàn (Hàn Quốc).
Quy hoach song Hong: Ban goc Seoul cai tao…hoc hoi the nao?
Hà Nội khởi động lại quy hoạch hai bờ sông Hồng. Ảnh: Zingnews.vn. 
Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, trong các nguồn lực về tài nguyên và môi trường thì điểm rất đáng chú ý là Hà Nội có quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông cơ bản còn nguyên vẹn. Đây là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một "Seoul thứ hai".
Thực tế cho thấy, từ một thành phố kiệt quệ sau chiến tranh, thủ đô Seoul của Hàn Quốc giờ đây trở thành một đô thị phát triển, mang tầm vóc quốc tế nhờ chính sách quy hoạch. Và Seoul được xem là một trong những hình mẫu phát triển thành công mô hình sinh thái đô thị.
Báo Hà Nội Mới đưa tin, ngay từ những năm 1970, chính quyền Seoul đã điều chỉnh quy hoạch để hướng sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.
Trong vòng 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Chính quyền Seoul tận dụng mọi không gian để trồng cây bằng cách biến một cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 thành một công viên trên cao rất ấn tượng với hơn 24.000 cây xanh. 
Đáng chú ý, sông Hàn - dòng sông chia đôi thủ đô Seoul - được coi là báu vật trong lịch sử phát triển của xứ sở Kim chi, với những công cuộc cải tạo quyết liệt được thực hiện, biến nơi này thành "viên ngọc sinh thái" giữa lòng thủ đô.
Tính đến nay, 40 km dọc hai bờ sông Hàn (đoạn chảy qua Seoul) có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú...
Hà Nội đang triển khai quy hoạch sông Hồng, song đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện. Trong gần 30 năm qua, một số dự án quy hoạch sông Hồng đã được đưa ra nhưng đều "lỡ dở". Có thể nói, để biến giấc mơ "Seoul thứ hai" thành hiện thực vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước.
Quy hoach song Hong: Ban goc Seoul cai tao…hoc hoi the nao?-Hinh-2
 Một góc con đường trên cao được biến thành công viên đầy cây xanh tại Seoul. Ảnh: Hà Nội Mới.
Trở lại vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 17/7, trả lời ý kiến về quy hoạch phân khu sông Hồng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là vấn đề được thành phố quan tâm từ những năm 2000.
Giai đoạn 2005 – 2006, thành phố đã mời các đơn vị thiết kế, tư vấn Hàn Quốc. Đến thời điểm 2016, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch này. Tuy nhiên, chúng ta đã bỏ lỡ một nhịp để giải quyết bài toán quy hoạch hai bên sông vào tháng 12/2017. Theo ông Chung, trong thời gian qua, quy hoạch này chưa thành hiện thực vì vướng nhiều luật. 
TTXVN dẫn lời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, khoảng 900.000 người dân hiện đang cư trú ở khu vực bờ sông Hồng. Do vướng quy hoạch đê điều, phân lũ nên thành phố không thể đầu tư hạ tầng về điện đường trường trạm ở khu vực này, người dân cũng không được xây dựng, sửa chữa.
Để đảm bảo đời sống người dân, thành phố quyết định, hộ dân nào có “sổ đỏ” hợp pháp sẽ được ưu tiên đáp ứng các nhu cầu chính đáng. Nguồn lực tài chính của thành phố trong 5 năm tới còn khó khăn không thể đầu tư cho việc di dời 900.000 dân ở khu vực này. Do đó, thành phố đã tính toán về việc xây dựng quy hoạch làm đê kết hợp với đường, đảm bảo yêu cầu chống lũ cấp 3.

Mời độc giả xem video Hà Nội: Người dân mòn mỏi với quy hoạch sông Hồng (Nguồn video: VTC14)

Ông Chung cho hay ý tưởng xây đê kết hợp với đường tạo thành hai con đường ven hai bên bờ sông. Hai tuyến này sẽ kết nối với các cây cầu bắc qua sông, với các bãi nổi để sau này trở thành khu du lịch sinh thái trên bãi nổi và giảm ùn tắc giao thông.
"Nếu làm theo quy hoạch hướng này, vừa đảm bảo bảo tồn, vừa có điều kiện cải tạo dân cư hiện hữu, vừa có điều kiện phát triển các khu đô thị mới mang tính chất văn hóa lịch sử, thể thao, đô thị sinh thái mật độ 5-15% theo tinh thần quyết định của Thủ tướng", Zingnews.vn dẫn lời Chủ tịch Hà Nội.
Hiện, Hà Nội đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch phân lũ trước.
An An (T.H)

>> xem thêm

Bình luận(0)