Tháng 5 năm ngoái, Liz Walsh, chồng và hai bé sinh đôi 2 tuổi, chuyển tới một khu chung cư cao cấp 30 tầng gần khu tài chính và kinh doanh của Hong Kong.
Vài tuần trước, gia đình Walsh gặp vài “hàng xóm” khác thường: 3 con lợn rừng (hay còn gọi lợn lòi).
Những con lợn rừng giờ đây thường xuyên đi lang thang dọc theo con đường dẫn tới khu chung cư nhà cô Walsh, ngủ trưa ở một vị trí ưa thích bên cạnh lối đi bộ gần đó và dạo chơi ở sân chơi gần đó.
“Chúng siêu thuần phục và thân thiện”, Walsh nói, nhưng nhấn mạnh cô luôn để mắt tới những con lợn rừng khi có cả 2 đứa trẻ đi cùng.
|
Cảnh sát Hong Kong vây bắt một con lợn rừng gây rối năm 2017. |
Những lần người dân chạm trán với lợn rừng đang dần trở thành điều bình thường ở cuộc sống tại Hong Kong.
Số lượng các vụ người dân báo họ trông thấy lợn rừng và bị chúng làm phiền đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, theo số liệu từ Cơ quan Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD).
Những con lợn rừng, có thể nặng tới 200 kg và có thể dài tới 2 mét, gần đây đã “tung hoành” trong khu tài chính Hong Kong, đi lang thang giữa các máy bay tại sân bay quốc tế Hong Kong và tàn phá một trung tâm mua sắm.
Rừng trong thành phố hiện đại
|
Cảnh tượng không hề hiếm gặp ở Hong Kong. |
Hong Kong nổi tiếng với các khu vực đô thị dày đặc và những tòa nhà chọc trời. Nhưng chưa tới 25% đất đai ở đây được khai thác, và các công viên và khu bảo tồn chiếm hơn 40% diện tích của đặc khu hành chính này.
Hầu như tất cả sự phát triển tại Hong Kong bị nén lại thành một dải đất hẹp ở một số quận trung tâm. Đối với cư dân ở đây, từ khu vực sinh sống hiện đại tới rừng nhiệt đới cận nhiệt đới phát triển mạnh mẽ trên những ngọn đồi dốc đầy đất đá chỉ cách nhau một bước chân. Do đó, rắn, khỉ và nhím được phát hiện trong khu dân cư là chuyện bình thường.
Vào thế kỷ 20, hổ được trông thấy ở một khu vực của Hong Kong, nhưng kể từ khi chúng tiệt chủng, loài động vật hoang dã lớn nhất được tìm thấy ở đây là lợn rừng - loài lợn hoang bản địa.
Theo AFCD, hiện chưa rõ có bao nhiêu con lợn lòi ở Hong Kong. Nhưng một điều dễ nhận thấy là những con lợn rừng - loài từng sống ẩn và đơn độc - đang dần không còn sợ hãi trước con người.
Rachel Duffell thường xuyên bắt gặp những con lợn rừng trên con đường gần nhà cô ở Quarry Bay, một quận đô thị của Hong Kong khi đang chạy bộ.
Khi bắt đầu chạy bộ vào năm 2012, Duffell hiếm khi bắt gặp lợn rừng. “Nếu nhìn thấy tôi, chúng sẽ rút lui nhưng bây giờ khi tôi vỗ tay và hét lớn, con vật vẫn tiếp tục tiến về phía tôi và như vậy thì tôi mới là người phải quay đầu và chạy theo hướng ngược lại”, Duffell nói. “Tôi rõ ràng sợ hãi hơn chúng”.
Lợn rừng có nguy hiểm không?
Kể từ năm 2014, chỉ có 10 trường hợp ghi nhận lợn rừng gây thương tích cho người dân, một nửa trong số những vụ đó xảy ra vào năm ngoái.
Vào tháng 1 năm nay, Đại học Hong Kong cảnh báo nhân viên và sinh viên cảnh giác sau hai vụ lợn rừng tấn công con người ở gần trường. Vào cuối năm ngoái, hai người lớn tuổi đã bị lợn rừng tấn công tại một khu nhà ở thuộc Cửu Long.
Lợn lòi có hàm răng sắc nhọn, và những con đực to lớn có cả răng nanh cong vút.
Tuy nhiên, các con vật “thường không hung dữ”, Howard Wong, theo giám đốc trường thú y của Đại học Hong Kong. “Nhưng giống như hầu hết các động vật hoang dã nếu bạn dồn ép, chúng sẽ phản ứng lại”, ông nói thêm.
Vì sao lợn rừng mò tới khu dân cư?
Thùng rác là một mồi nhử hấp dẫn đối với lợn rừng. Những con lợn lật đổ thùng rác để tìm kiếm thức ăn, khiến rác vương vãi khắp mặt đường.
“Lợn rất sáng tạo. Chúng là một trong những loài động vật thông minh nhất”, ông Wong nói. “Một khi chúng biết việc chúng làm có kết quả, chúng sẽ tiếp tục làm vậy”.
Năm ngoái, một đoạn clip về một con lợn lòi có kích thước rất lớn tấn công một bãi rác ở Hong Kong đã lan truyền trên mạng xã hội.
Nhưng lý do chính để giải thích việc lợn lòi xâm lấn vào khu vực đô thị là việc người dân đang dần quen với chúng và cho chúng ăn.
Ông Wong tin rằng điều này phản ánh một sự thay đổi trong văn hóa. Khi phúc lợi động vật trở thành một vấn đề gây chú ý ở Hong Kong, mọi người muốn cho thấy mình là người yêu động vật. Walsh nói rằng cô đã thấy người dân địa phương cho 3 con lợn rừng sống gần khu chung cư ăn.
Veronique Che, một người ủng hộ của Nhóm quan tâm lợn rừng Hong Kong, lại cho rằng một yếu tố khác khiến lợn rừng xuất hiện nhiều hơn ở khu dân cư là sự mở rộng khu đô thị.
Trong những năm 1960 và 70, sự phát triển của các thị trấn ở khu vực phía cực bắc của Hong Kong khiến môi trường sống tự nhiên của lợn lòi bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp. “Nơi sinh sống của heo rừng, cùng với các loài động vật hoang dã khác ở Hong đã bị co ép lại”, Che nói.
Chiến lược sống chung với lợn rừng
Chính quyền Hong Kong đã xem xét một số giải pháp cho vấn đề heo rừng.
Một nhà lập pháp đề nghị thả những kẻ săn mồi vào tự nhiên nhưng, như AFCD chỉ ra, bất cứ loài vật nào đủ lớn để giết một con lợn rừng - như sư tử hoặc hổ - sẽ lại tiếp tục đe dọa con người.
Một quan chức khác đưa ra ý tưởng di chuyển những con lợn lòi đến những hòn đảo không có người ở - nhưng điều đó không thực tế vì chúng bơi giỏi.
Hai đội săn bắn dân sự trước đây đã được ủy quyền để bắn những con lợn rừng, nhưng hoạt động này bị dừng vào năm 2017 do lo ngại về phúc lợi động vật và an toàn công cộng.
Thay vào đó, AFCD đề xuất một chương trình thí điểm để bắt giữ “những con lợn hoang dã gây phiền toái” và di chuyển chúng đến những vùng xa xôi.
Những con lợn lòi được gắn chip và thiết bị theo dõi GPS. Những con cái trưởng thành được tiêm thuốc tránh thai có hiệu quả trong khoảng năm năm, và tính khả thi của triệt sản phẫu thuật cũng đang được nghiên cứu.
Chính quyền Hong Kong cũng đang đẩy mạnh các chiến dịch giáo dục công cộng và nghiên cứu về việc dùng các thùng rác chống lợn rừng.
Khi Năm Kỷ Hợi bắt đầu, Hong Kong hy vọng các “cư dân” lợn không trở thành vấn đề khó kiểm soát trong 12 tháng tới.