Ngày 26/7/2016, Nhật Bản rúng động trước vụ “thảm sát” 19 người khuyết tật ở trung tâm Tsukui Yamayuri En thuộc thành phố Sagamihara. Nghi phạm là Satoshi Uematsu, một thanh niên 26 tuổi dường như luôn cười thân thiện, giúp đỡ mọi người.
|
Satoshi Uematsu vẫn cười dù bị cảnh sát bắt giữ |
Sát nhân “mặt cười”
Trong khu phố với những ngôi nhà gỗ lớn và những vườn hồng ở thành phố Sagamihara, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng và không thể tin được việc Uematsu gây ra tại trung tâm người khuyết tật mà anh ta từng làm việc.
Ông Akihiro Hasegawa, 73 tuổi, một người hàng xóm cho hay: “Không có biểu hiện nào ở Uematsu cho thấy anh ta có khả năng thực hiện hành vi bạo lực ghê rợn đến như vậy đối với cộng đồng những người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội”.
Uematsu từng làm việc tại trung tâm dành cho người khuyết tật từ năm 2012, đến tháng 2/2016 thì nghỉ việc. Theo đài truyền hình NTV Nhật Bản, Uematsu không tự nghỉ làm mà thực chất là bị đuổi việc nên tâm trạng khi đó rất buồn rầu.
Trước đó, Uematsu được đào tạo để trở thành một giáo viên và các đồng nghiệp cũ của anh ta cũng nhận xét Uematsu là một người rất thân thiện và yêu quý trẻ con. “Nếu được hỏi là Uematsu có biểu hiện gì kỳ lạ hoặc từng làm điều gì đó xấu xa thì câu trả lời của tôi là “Không”, bởi cậu ấy thực sự là một người hiền lành, thân thiện, lịch sự và luôn chào hỏi mọi người khi chúng tôi gặp cậu ấy trên phố. Tôi cũng chắc chắn rằng, bất cứ ai quanh khu phố này cũng sẽ trở lời như tôi mà thôi”, ông Hasegawa kể.
Một người hàng xóm khác nói rằng, có thể Uematsu nhuộm tóc và xăm hình Yakuza trên ngực và cánh tay, nhưng điều đó không có nghĩa Uematsu thuộc tổ chức tội phạm nào. Thậm chí, Uematsu còn thường xuyên cho mèo hoang ăn, giúp hàng xóm dọn vườn và dọn tuyết vào mùa đông để lấy lối đi.
Uematsu sống một mình trong một ngôi nhà màu kem nhỏ cách hiện trường vụ án chỉ vài phút đi bộ sau khi cha mẹ chuyển đến ngoại ô Tokyo khoảng 5 năm trước đó. Anh ta từng mơ ước theo nghề giáo viên mỹ thuật của cha mình. “Cậu ta là dân bản địa ở đây từ trước khi tôi chuyển đến 8 năm trước, tôi chưa bao giờ thấy cậu ấy tức giận hay cãi cọ lời qua tiếng lại với cha mẹ”, người hàng xóm cho biết.
Vào khoảng 2h00 sáng ngày 26/7 (theo giờ địa phương), Uematsu đã dùng búa đập vỡ cửa kính, đột nhập vào cơ sở dành cho người khuyết tật Tsukui Yamayuri-en (cách Tokyo 40km về phía Tây Nam) rồi dùng dao vung liên tiếp vào bất cứ người nào bắt gặp. Vụ việc khiến 19 người thiệt mạng, trong đó, có 10 nạn nhân nữ và 9 nạn nhân nam. Các nạn nhân có độ tuổi từ 18 đến 70. Ngoài ra còn khoảng 50 người bị thương.
Các nhân viên điều tra cũng phát hiện ra rằng Uematsu đã khống chế ít nhất 2 nhân viên của trung tâm, dùng dây trói họ lại, trước khi tiến hành vụ tấn công. Hệ quả là các nhân viên phải mất hơn 40 phút mới gọi được điện thoại cho cảnh sát sau khi Uematsu đột nhập vào trung tâm bằng cách phá vỡ một cửa sổ lúc 2 giờ sáng.
Uematsu còn khai đã trói các nhân viên trung tâm lại và bắt họ giao chìa khóa các khu nhà ở, vốn được chia thành 8 khu vực và mỗi khu đều có khóa cửa riêng. Các nạn nhân dường như bị sát hại trong lúc đang ngủ. Một tiếng sau khi gây án, thủ phạm đã tới đồn cảnh sát tự thú, đem theo con dao gây án.
Trong xe ô tô của Uematsu, cảnh sát tìm thấy một chiếc túi với nhiều con dao và những dụng cụ sắc nhọn. Trên vô lăng và ghế ngồi ô tô vẫn còn dính nhiều vết máu. Cảnh sát tin rằng Uematsu rõ ràng đã chủ ý thực hiện vụ tấn công. Vụ việc nhiều khả năng cũng được lên kế hoạch từ trước.
Theo CNN đưa tin, để xảy ra cơ sự này phải nói đến sự lỏng lẻo an ninh ở trung tâm người khuyết tật Tsukui Yamayuri-en, nơi ở của 149 người tàn tật có độ tuổi từ thiếu niên tới 70 với 222 nhân viên chăm sóc và bảo vệ.
Vậy nhưng, vào đêm xảy ra vụ thảm sát chỉ có 9 nhân viên làm việc, trong đó, chỉ có duy nhất 1 bảo vệ. Chính thông tin này đã khiến nhiều người cho rằng ban quản lý đã quá chủ quan trong công tác đảm bảo an ninh cũng như quá tự tin vào công nghệ.
“Kịch bản” tội ác
Một video được truyền thông Nhật Bản đăng tải cho thấy, trong quá trình bị áp giải từ nơi tạm giam đồn cảnh sát Tsukui tới thành phố Yokohama gần đó, Uematsu tỏ ra không ngạc nhiên trước sự chú ý của giới truyền thông. Thậm chí tên này còn cười một cách thoải mái dù đã ra tay tàn bạo.
Khi thẩm vấn, Uematsu còn khai mình buộc phải ra tay với những người tàn tật đó, để “giải thoát” họ khỏi cuộc sống khổ đau. Uematsu còn nói “sẽ tốt hơn nếu người khuyết tật biến mất”. Uematsu nói hắn còn ra tay với cả “những người không thể giao tiếp tốt”.
Dù nói không cảm thấy hối lỗi nhưng Uematsu cũng được cho là đã nói rằng “Tôi muốn nói lời xin lỗi từ đáy lòng tới các gia đình bị ảnh hưởng vì tôi đã đột chia lìa họ với các nạn nhân”.
Ông Yuji Kuroiwa, Thống đốc tỉnh Kanagawa cho rằng dù Uematsu đã có những dấu hiệu ban đầu nhưng rất khó để ngăn chặn hành vi của hắn. “Đó không phải hành vi phạm tội bộc phát. Trong đêm tối, hắn lặng lẽ đi, mở cửa từng phòng và dùng dao tấn công từng người trong lúc họ đang ngủ. Tôi không thể tin được mức độ tàn bạo của vụ việc. Chúng ta cần phải ngăn chặn những tội ác tương tự có thể tiếp diễn”, ông Yuji Kuroiwa nói.
Giải thích về hành vi của mình, Uematsu viết trong lá thư cho biết đã ước mơ về “một thế giới mà ở đó những người tàn tật chịu nhiều khó khăn và thiệt thòi trong xã hội sẽ được chết một cách nhân đạo, hòa bình”.
Báo chí Nhật Bản cho biết Uematsu từng gửi thư lên Quốc hội hồi tháng 2/2016, yêu cầu “tất cả người khuyết tật nên được chết bởi thế giới cho phép cái chết nhân đạo”. Trong bức thư, Uematsu nói rằng có khả năng sát hại 470 người khuyết tật và coi đó là “một cuộc cách mạng”. Uematsu cũng nêu chi tiết “kịch bản” vụ thảm sát định tiến hành và khẳng định sau đó sẽ ra đầu thú.
“Tôi tin rằng không có giải pháp nào cho cuộc sống của những người khuyết tật. Điều đó chỉ mang lại buồn đau. Tôi nghĩ giờ là lúc phải tiến hành một cuộc cách mạng, một quyết định khó khăn nhưng cần thiết, vì lợi ích của con người. Nhật Bản phải thực hiện bước đi lớn đầu tiên”, Uematsu viết.
Không chỉ vạch ra kịch bản cụ thể mà trong bức thư Uematsu còn đưa ra một số yêu cầu “điên khùng”: “Sau khi tôi bị bắt, tôi nên bị bỏ tù ít nhất 2 năm và sau đó hãy để tôi có một cuộc sống tự do”. Các yêu cầu khác của Uematsu bao gồm việc chứng nhận không mắc bệnh tâm thần, một cái tên mới (Takashi Iguro) để làm lại giấy tờ tùy nhân và bằng lái xe, phẫu thuật thay đổi nhân dạng và hỗ trợ tài chính 500 triệu yên Nhật.
Và đúng 5 tháng sau, Satoshi Uematsu đã thực hiện những gì đã viết trong lá thư, khiến hàng chục người thương vong.
Ngay sau sự việc Tổng thư ký Nội các Yoshihide Suga đã mở một cuộc họp báo ở Tokyo và nói rằng, “Đây là một sự cố vô cùng đau lòng và gây sốc mạnh khi nhiều người vô tội trở thành nạn nhân”. Thủ tướng Shinzo Abe cũng lên tiếng cho hay,
“Cuộc sống của nhiều người vô tội đã bị cướp đi một cách vô lý và tôi thực sự sốc trước những gì đã diễn ra. Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để tìm lại công bằng cho người xấu số, đồng thời ngăn chặn những vụ việc thương tâm như thế này tái diễn”.