Tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trung tuần tháng 11 này, đại diện các quốc gia thành viên NATO đã thống nhất cho rằng, tổ chức này hiện có nhiều binh sĩ và phương tiện vũ khí hơn nhưng lại ít hiệu quả chiến thuật hơn.
Khi phải đối mặt với một cuộc tấn công trong tương lai, NATO sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó. Do đó, nhiệm vụ cấp bách là phải cải cách hoạt động cũng như cơ cấu bộ máy chỉ huy của NATO...
Theo nhận định của tờ Le Monde (Pháp), cuộc chiến ở miền Đông Ukraine đã làm cho NATO nhận thức được những thiếu sót quân sự và hậu cần của mình. Những thiếu sót này sẽ làm cho hoạt động của NATO kém hiệu quả hơn so với Nga. “Nhưng việc cải tổ NATO không phải là để quay lại Chiến tranh Lạnh. Cải tổ giúp cho NATO phát triển năng động hơn, đáp ứng với những đòi hỏi của thế kỷ 21”-Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh.
|
Binh sĩ Đức tham gia tập trận cùng với các đối tác trong NATO. Ảnh: EPA. |
Tuy nhiên, tờ Le Monde nhấn mạnh rằng, trước khi tiến hành cải cách, NATO cần phải xác định những lỗ hổng mà trên thực tế đang tồn tại rất nhiều. Một báo cáo bí mật bị rò rỉ trên báo chí Đức hồi tháng 10 vừa qua cho biết, trước năm 1989, quân đội NATO có 23.000 sĩ quan chỉ huy các cấp, trong khi có tới hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ đóng quân tại châu Âu. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, các chỉ huy quân sự có thể nhanh chóng huy động được cả binh lính và khí tài. Thế nhưng tính đến nay, số sĩ quan chỉ huy đã giảm xuống còn 6.800 người đang làm việc tại hai trung tâm chỉ huy ở Brunssum (Hà Lan) và Mons (Bỉ). Hay trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO có 33 trung tâm chỉ huy nhưng nay chỉ còn 7 trung tâm và tập trung vào các hoạt động ngoài phạm vi truyền thống như ở Kosovo, Afghanistan, Libya, hoặc hợp tác an ninh và tăng cường năng lực tại các nước thứ ba, trong đó chủ yếu là các nhiệm vụ đào tạo.
"Cuộc chiến" không tuyên bố trước với Nga tại Ukraine năm 2014 đã làm thay đổi cuộc chơi, dẫn tới việc NATO phải quay trở lại các hoạt động chính của tổ chức là phòng thủ tập thể và ngăn chặn. Tuy nhiên, cho dù nhiều hơn quân đội Nga đến 4 lần về số quân lính và 3 lần về số xe tăng và máy bay, nhưng NATO dường như quá cồng kềnh và thiếu thiện chiến để có thể đối phó với một cuộc tấn công mới. Trong trường hợp xảy ra xung đột, NATO sẽ rất thiếu các sĩ quan tham mưu cũng như vấp phải nhiều khó khăn trong lĩnh vực hậu cần, như thiếu các đoàn tàu có khả năng vận chuyển nhanh thiết bị khí tài, đường và cầu cho xe tăng chiến đấu.
Do vậy, các chuyên gia quân sự cho rằng, việc hiện đại hóa NATO trong thời gian tới cần phải chú trọng hàng loạt thay đổi, bao gồm xây dựng một khu vực “Schengen quân sự” với nòng cốt là Liên minh châu Âu (EU), nhằm tạo điều kiện di chuyển dễ dàng quân đội và trang thiết bị. Các trung tâm chỉ huy phải được tăng cường theo hai cấu trúc mới. Cấu trúc đầu tiên, được gọi là “hậu phương”, sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề vận chuyển và hậu cần để tăng khả năng phản ứng. Cấu trúc thứ hai có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, thông tin liên lạc xuyên suốt và hiệu quả của chuỗi cung ứng vũ khí, khí tài ở Đại Tây Dương, giữa châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, an ninh mạng cũng là một ưu tiên trong kế hoạch cải tổ NATO.
Cũng tại hội nghị ngày 8-11, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã đạt được bước tiến lớn khi nhất trí lập thêm hai sở chỉ huy quân sự mới, là Bộ chỉ huy Đại Tây Dương và Bộ chỉ huy hậu cần, nhằm giúp bảo vệ châu Âu trong trường hợp xảy ra xung đột. Chi phí thiết lập các cơ sở trên sẽ chưa được thảo luận trong thời gian từ nay tới năm 2018 và hiện vẫn chưa có quyết định về nơi đặt các trụ sở trên. Trong hai trung tâm chỉ huy mới dự kiến sẽ được thành lập, một trung tâm sẽ phục vụ hỗ trợ cho hoạt động giao thông đường biển giữa Bắc Mỹ và châu Âu. Trung tâm còn lại có mục đích cải thiện khả năng cơ động cho các quân đoàn với các trang thiết bị hiện có tại châu Âu. Ngoài ra, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng thảo luận, xem xét thành lập Trung tâm chỉ huy đồng minh, vốn là "xương sống" của NATO, nhằm duy trì chiến lược răn đe và bảo vệ biên giới nội khối, cũng như duy trì sự ổn định bên ngoài biên giới.