"Tôi đã bị cưỡng hiếp ở Ukraine. Bây giờ tôi đang ở Ba Lan. Tôi nghĩ rằng tôi đang mang thai và tôi thực sự không muốn cái thai này. Tôi không biết phải làm gì với nó". Đây là một trong số hàng chục tin nhắn được gửi tới Nastya Podorozhnya, một người Ukraine ủng hộ "quyền sinh sản", hiện đang sống ở Ba Lan.
Theo Vice, kể từ khi giao tranh Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, nhiều phụ nữ Ukraine rời khỏi quê hương để sang nước láng giềng Ba Lan, quốc gia có gần 2 triệu người tị nạn, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Mặc dù những người tị nạn Ukraine ở Ba Lan có thể tạm có cuộc sống an toàn nhưng vẫn tồn tại những điểm bất cập, trong đó có việc hai quốc gia có rất ít điểm chung về khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
|
Một gia đình tị nạn người Ukraine ở Zabki, Ba Lan. Ảnh: NY Times |
Trong khi quốc hội Ba Lan vẫn thông qua luật cấm phá thai năm 1993 với 3 ngoại lệ: Nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người mẹ, có thai do hiếp dâm hoặc loạn luân và thai nhi dị tật. Phần lớn, những người Ba Lan muốn phá thai phải đi ra nước ngoài đến các nước như Cộng hòa Séc, Đức, Slovakia hoặc nhập khẩu thuốc phá thai lén lút từ nước ngoài, thì ở một khía cạnh khác, trước khi giao tranh nổ ra, Ukraine được biết đến với luật phá thai tương đối tự do. Đây cũng là lý do quốc gia Đông Âu trở thành điểm đến "lý tưởng" cho những người Ba Lan muốn phá thai ở nước ngoài. "Hầu hết phụ nữ Ukraine đều rất ngạc nhiên khi họ đến Ba Lan và đột nhiên họ nhận ra rằng không có cách nào hợp pháp để họ có thể phá thai an toàn", Nastya Podorozhnya cho hay.
"Có một 'cuộc chiến ngầm' chống lại phụ nữ đang diễn ra tại đây. Họ không bắn chúng tôi, nhưng cũng không cho phép chúng tôi quyền tự quyết với cơ thể của chính mình", Kurczuk, một bác sĩ phụ khoa tại Warsaw cho biết. "Đó là một tình huống rất khó khăn cho những phụ nữ Ukraine. Họ vừa thoát khỏi cảnh "hòm tên mũi đạn" tại chính quê hương nhưng rõ ràng Ba Lan không phải là thiên đường cho phụ nữ".