Hơn 114.000 người đã được sơ tán bằng máy bay từ sân bay quốc tế thủ đô Kabul trong 2 tuần qua. Tuy nhiên, những ngày cuối cùng cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Afghanistan đã dấy lên nhiều câu hỏi mới đối với Tổng thống Biden và chính quyền của ông.
|
Ngày 30/8, Mỹ đã hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Getty. |
Số phận những người Mỹ và người Afghanistan bị bỏ lại sẽ ra sao?
Mỹ đã sơ tán hơn 5.500 công dân Mỹ kể từ những chuyến bay đầu tiên hôm 14/8. Một số công dân Mỹ đã lựa chọn tiếp tục ở lại Afghanistan để được ở cùng với các thành viên gia đình mình.
Chính quyền Biden bày tỏ hy vọng Taliban sẽ tiếp tục cho phép các công dân Mỹ và những người khác an toàn rời khỏi Afghanistan sau khi quân đội Mỹ hoàn tất quá trình rút khỏi nước này. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại về việc những người này sẽ rời khỏi Afghanistan như thế nào nếu sân bay không thể hoạt động.
Hàng chục nghìn người Afghanistan, trong đó có các phiên dịch viên từng làm việc cho quân đội Mỹ, các nhà báo và những người ủng hộ quyền phụ nữ, đã bị bỏ lại. Hiện chưa rõ số phận những người này sẽ ra sao, nhưng giới chức lo ngại Taliban có thể trả thù nhằm vào họ.
Theo một tuyên bố chung của Anh, Mỹ và các nước khác hôm 29/8, Taliban đã cam kết cho phép các công dân nước ngoài và các công dân Afghanistan có giấy tờ đi lại hợp lệ của nước khác được rời khỏi nước này.
Ai sẽ tiếp quản sân bay Kabul?
Trong 2 tuần qua, quân đội Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh và vận hành sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul với gần 6.000 binh sỹ.
Taliban hiện đang đối thoại với chính phủ các nước như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, tìm sự trợ giúp để tiếp tục vận hành các chuyến bay dân sự tại sân bay này. Nơi đây cũng là con đường duy nhất để nhiều người rời khỏi Afghanistan.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 29/8 cho biết, sân bay Hamid Karzai cần phải sửa chữa khá nhiều mới có thể mở lại các chuyến bay dân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh tại sân bay Hamid Karzai trong 6 năm qua. Việc tiếp tục duy trì hoạt động của sân bay này sau khi các lực lượng nước ngoài trao lại quyền kiểm soát không chỉ đảm bảo Afghanistan được kết nối với thế giới mà còn nhằm duy trì các hoạt động và nguồn cung cấp viện trợ.
Tương lai quan hệ giữa Mỹ và Taliban
Mỹ không có kế hoạch để các nhân viên ngoại giao ở lại Afghanistan và sẽ quyết định cần làm gì trong tương lai tùy vào các hành động của Taliban.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải xác định làm thế nào để đảm bảo cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo không xảy ra ở Afghanistan.
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 18 triệu người – hơn một nửa dân số Afghanistan, cần viện trợ và một nửa số trẻ em Afghanistan dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng do tình trạng hạn hán lần thứ 2 trong 4 năm qua.
Một số nước, trong đó có Anh đã tuyên bố sẽ không công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan.
Mối đe dọa từ nhóm khủng bố IS-K
Một trong những khía cạnh hợp tác giữa Mỹ và Taliban có thể là về mối đe dọa từ các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Có nhiều câu hỏi về việc Mỹ và Taliban có thể phối hợp như thế nào và thậm chí chia sẻ thông tin như thế nào để đối phó nhóm khủng bố này.
IS-K, lần đầu tiên xuất hiện ở phía Đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và sau đó đã nhanh chóng được biết đến vì sự tàn bạo. Nhóm này thừa nhận đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ngày 26/8 vừa qua ở bên ngoài sân bay Kabul khiến 13 lính Mỹ và hàng chục dân thường Afghanistan thiệt mạng.
Mỹ sau đó đã tiến hành ít nhất 2 cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào IS-K. Tổng thống Biden cũng tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục đáp trả.
IS-K là kẻ thù của Taliban, nhưng giới chức tình báo Mỹ tin rằng, IS-K đã lợi dụng sự bất ổn dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan hồi giữa tháng 8 để củng cố vị thế và tuyển mộ các thành viên trước đây của Taliban.