Hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển) tại Quebec, Canada, năm nay được cho là tập trung vào 5 chủ đề chính: Biến đổi khí hậu, tương lai tự động hóa và việc làm, bình đẳng giới, tăng trưởng toàn diện và hòa bình thế giới. Trong nhiều năm, Nhóm G7 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đối thoại, tìm ra những nền tảng chung và giải quyết bất đồng.
Tuy nhiên, hội nghị diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 8-9/6 năm nay đã bị bao trùm bởi cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh sau quyết định tăng mạnh thuế nhập khẩu nhôm thép của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cùng những chính sách quyết đoán mới về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Được biết, Tổng thống Trump đã bỏ ngang hội nghị G7 và lên đường tới Singapore để dự thượng đỉnh Mỹ-Triều với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trên đường đi, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ không ký tuyên bố chung được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo G7.
|
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Ảnh: EPA. |
“Vì những phát ngôn sai lệch của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại cuộc họp báo của ông ấy và thực tế rằng Canada đang áp đặt mức thuế lớn lên những người nông dân, công nhân và doanh nghiệp Mỹ, tôi đã yêu cầu các đại diện của Mỹ không ký tuyên bố chung được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo G7”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Chia rẽ giữa Mỹ và phần còn lại của G7 đã trở nên gay gắt đến mức các nhà quan sát đã gọi hội nghị G7 năm nay là “G6 + 1”.
Gạt Mỹ, G7 vẫn ra tuyên bố chung
Có vẻ như phần còn lại của G7 đã không còn quá quan tâm đến việc Mỹ đi hay ở lại nhóm này.
Dù không có Mỹ, 6 nước trong G7 vẫn đưa ra tuyên bố dài 8 trang, trong đó đề cập hàng loạt vấn đề cấp bách của thế giới như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu và quan hệ giữa phương Tây với Nga,...
Cụ thể, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết cải tổ toàn diện Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm nhất có thể và "nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ".
Mời độc giả xem thêm video: Sức nóng trước thềm khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G7 (Nguồn: VTC1)
Nhóm những nước còn lại của G7 đã nhất trí về sự cần thiết của một “nền thương mại tự do, công bằng và đôi bên cùng có lợi” và tầm quan trọng của đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ.
Về vấn đề hạt nhân Iran, các nhà lãnh đạo G7 cam kết đảm bảo vĩnh viễn rằng Iran "sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân".
G7 vẫn vững mạnh nếu không có Mỹ?
Theo Daily Sabah, trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định G7 sẽ không ngại ký tuyên bố chung của 6 nước, và rằng nhóm G7 không cần đến Mỹ.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) khẳng định G7 sẽ vẫn là một tổ chức vững mạnh nếu không có Mỹ. Ảnh: DS. |
Tổng thống Pháp từng tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Trump, nhưng giờ đây lại khẳng định 6 nước ngoài Mỹ giờ đây mới là “thế lực mới ở tầm cỡ thế giới”.
“6 quốc gia còn lại trong G7 hợp thành một thị trường rộng lớn hơn so với Mỹ. Có lẽ, Tổng thống Trump hiện tại không quan tâm tới việc bị cô lập, nhưng chúng tôi (G7) cũng không ngại trở thành nhóm 6 nước nếu cần thiết”, Tổng thống Macron phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7/6.
Tổng thống Pháp khẳng định thêm nếu Mỹ từ bỏ vai trò toàn cầu, 6 thành viên còn lại của G7 sẽ vẫn là một tổ chức vững mạnh.
Tuy nhiên, theo Khaleej Times, Mỹ vẫn là nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Ngay cả khi 6 quốc gia còn lại hợp sức và thành lập G6+1 đi chăng nữa thì G7 có thể không đạt được kết quả tốt nhất. Nếu G7 không mở rộng và “sáp nhập” thêm các cường quốc kinh tế khác để “đối kháng” với Mỹ, vị thế của tổ chức này sẽ không được coi trọng như trước.