Nhật, Hàn leo thang thương chiến và Đông Bắc Á ngày càng biến động

Google News

Triều Tiên thử tên lửa lần ba trong một tuần, Nhật - Hàn leo thang chiến tranh thương mại, thủ tướng Nga thăm lãnh thổ tranh chấp với Nhật dồn dập diễn ra chỉ trong một ngày 2/8.
 

Chỉ trong một ngày, Đông Bắc Á chứng kiến căng thẳng nảy sinh hoặc leo thang ở gần như mọi ngóc ngách của khu vực chỉ có vài quốc gia này.
Trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử vũ khí dường như là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, lần thứ ba trong chỉ hơn một tuần, trong lúc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị ngưng trệ.
Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước có chung nỗi lo về mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên, lại leo thang chiến tranh thương mại với việc Tokyo loại láng giềng ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi nhập khẩu hàng Nhật - Seoul tới cuối ngày cũng đáp trả bằng biện pháp tương tự. Cùng lúc với những diễn biến này, thủ tướng Nga đến thăm một đảo trong nhóm 4 đảo Nam Kuril, lãnh thổ đang tranh chấp với Nhật, bất chấp sự phản đối của Tokyo.
8 ngày, 3 vụ thử tên lửa của Triều Tiên
Triều Tiên đã phóng "các vật thể bay không xác định" ra vùng biển phía đông nước này, tức biển Nhật Bản, ít nhất hai lần vào rạng sáng 2/8, theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc. Bình Nhưỡng sáng 3/8 xác nhận họ đã tiến hành vụ thử nghiệm hệ thống phóng rocket hàng loạt mới, tương tự vụ thử diễn ra ít ngày trước.
Kim Eun Han, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói Seoul bày tỏ "hối tiếc sâu sắc" về các vụ phóng mà họ tin là có thể làm tổn hại nỗ lực hướng đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, theo AP.
Nhat, Han leo thang thuong chien va Dong Bac A ngay cang bien dong
 Ông Kim Jong Un giám sát vụ thử vũ khí rạng sáng 2/8. Hình ảnh về vũ khí được làm mờ khi xuất hiện trên bản tin của KCNA sáng 3/8. Ảnh: KCNA.
Trước đó, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 25/7 cũng như tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí mà nước này nói là hệ thống phóng rocket hàng loạt mới hôm 31/7.
Theo hãng thông tấn KCNA của Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát vụ thử hôm 31/7 và nói vũ khí mới sẽ “gây ra sự khốn khổ không thể tránh được cho các lực lượng đang trở thành mục tiêu lớn của vũ khí này”.
Giới phân tích cho rằng các vụ thử liên tiếp có thể là chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Bình Nhưỡng nhằm gây sức ép với Seoul và Washington về các cuộc đàm phán hạt nhân đang giậm chân tại chỗ. Triều Tiên dường như cũng đang muốn khoét sâu những bất đồng giữa bộ ba Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chia rẽ liên minh này và tạo lợi thế cho Bình Nhưỡng trước khi bước vào đàm phán.
“Bình Nhưỡng đang tìm cách mở cánh cửa từ vết nứt trong bộ ba liên minh Mỹ, Nhật, Hàn”, Garren Mulloy, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka, Nhật Bản, nhận xét. Ông cũng nói rằng điều này đặt ra câu hỏi về năng lực của Washington trong việc kiểm soát Đông Bắc Á.
Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định ông không lo lắng về các động thái của Bình Nhưỡng. Song các vụ thử đã làm lu mờ sự lạc quan hình thành sau cuộc gặp chớp nhoáng giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại biên giới liên Triều hôm 30/6. Hai bên đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cấp làm việc vốn đình trệ từ tháng 2, nhưng đến nay chưa có cuộc gặp công khai nào.
Trong bối cảnh đó, Triều Tiên đã giảm tốc đáng kể hoạt động ngoại giao với Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu Seoul quay lưng với Washington và tiến hành các dự án kinh tế chung vốn bị trì hoãn vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Triều Tiên cũng tuyên bố Mỹ sẽ bị xem là vi phạm thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo nếu họ vẫn tiến hành tập trận theo kế hoạch với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ chờ xem liệu cuộc tập trận tháng 8 có thực sự diễn ra để quyết định số phận của chính sách ngoại giao với Washington.
Nhật - Hàn leo thang chiến tranh thương mại
Tình thế dường như không mấy dễ chịu cho ông Trump khi hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, lại đang vướng vào cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang liên tục. Hôm 2/8, cuộc chiến đã bị đẩy lên nấc mới khi Tokyo thông báo Hàn Quốc sẽ bị loại khỏi "danh sách trắng", bao gồm các nước được Nhật ưu tiên xuất khẩu hàng hóa.
Chính phủ Seoul có động thái trả đũa ngay sau đó, tuyên bố cũng sẽ loại Nhật khỏi “danh sách trắng” các đối tác thương mại được Seoul tin cậy. Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, quyết định của Nhật là “thiếu suy nghĩ” và “ích kỷ”, cảnh báo Tokyo về "hậu quả to lớn" nếu cố tình nhắm vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Nhat, Han leo thang thuong chien va Dong Bac A ngay cang bien dong-Hinh-2
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono gặp nhau bên lề hội nghị của ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, sau thông báo từ Tokyo. Ảnh: Reuters. 
Căng thẳng Nhật - Hàn bắt nguồn từ phán quyết của tòa án Hàn Quốc cuối năm ngoái yêu cầu công ty Nhật bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức Hàn Quốc trong Thế chiến II.
Tokyo luôn cho rằng mọi đền bù thời chiến đã được dàn xếp trong hiệp định năm 1965 vốn giúp thiết lập quan hệ bang giao giữa hai bên, nhưng tòa án Hàn Quốc nói hiệp định này chưa tính đến sự đau đớn về tinh thần của nạn nhân.
Đầu tháng 7, Nhật Bản tuyên bố thắt chặt kiểm soát xuất khẩu ba loại nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất điện thoại thông minh cũng như các lĩnh vực công nghệ khác ở Hàn Quốc. Tokyo cũng cáo buộc Hàn Quốc kiểm soát lỏng lẻo các nguyên liệu nhạy cảm này, cho rằng có thể chúng đã bị đưa đến Triều Tiên để sản xuất vũ khí hạt nhân, dù không cung cấp bất kỳ bằng chứng cụ thể.
Hàn Quốc phủ nhận và coi đây là đòn trả đũa nghiêm trọng của Tokyo đối với phán quyết về lao động cưỡng bức. Seoul đã cảnh báo sẽ xem xét lại hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Nhật, trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử tên lửa trở lại.
Sự chia rẽ giữa hai đồng minh Mỹ, dù chia sẻ nhiều lợi ích chung về an ninh quốc phòng nhưng vẫn luôn bất hòa vì những vấn đề quá khứ, là một trở ngại cho chính quyền Trump trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng thống nhất quan điểm của Seoul và Tokyo trước một Triều Tiên khó lường và một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Có những tín hiệu cho thấy hai láng giềng châu Á muốn làm dịu tình hình. AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết trong cuộc gặp giữa các ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Hàn bên lề hội nghị ASEAN tại Thái Lan hôm 2/8, Tokyo và Seoul đã cam kết duy trì sức ép với Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa, bất chấp những bất đồng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai đồng minh, theo Ngoại trưởng Hàn Kang Kyung Wha. Dù vậy, cuộc gặp ba bên dường như vẫn rất "băng giá" và bà Kang thậm chí đã không bắt tay người đồng cấp Nhật Taro Kono.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến dường như khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều, khiến sự ổn định tại Đông Bắc Á phải đối mặt với những thách thức lớn.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Kuril của Thủ tướng Nga Medvedev càng khắc họa rõ những mâu thuẫn tồn tại dai dẳng tại khu vực này, nơi chỉ có 5 nước nhưng có đến 2 mối quan hệ song phương mà các bên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, về mặt kỹ thuật.
Thủ tướng Nga thăm đảo tranh chấp với Nhật
Quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, hay "Chishima" trong tiếng Nhật, là một chuỗi đảo trải dài 1.300 km từ đảo Hokkaido của Nhật đến bán đảo Kamchatka của Nga. Sau khi phát xít Nhật bại trận vào năm 1945, Liên Xô chiếm đóng toàn bộ quần đảo Kuril từ phía Nhật. Tuy nhiên, Tokyo đến nay vẫn khẳng định chủ quyền ở 4 đảo cực nam của quần đảo này và gọi đây là "Lãnh thổ phương Bắc".
Chính vì tranh chấp này, đến nay Nhật Bản và Nga vẫn chưa thể ký hiệp ước hòa bình và do đó về lý thuyết, hai bên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, tương tự tình trạng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đến thăm đảo Iturup (Nhật gọi là Etorofu) thuộc nhóm đảo Nam Kuril hôm 2/8, bất chấp sự phản đối của Tokyo. Trong lúc việc đàm phán để giải quyết tranh chấp vẫn dậm chân, chuyến thăm này được cho là nhằm làm nổi bật sự kiểm soát của Moscow với nhóm đảo thông qua các nỗ lực phát triển kinh tế.
"Đây là đất đai của chúng ta, đây là khu vực thuộc Liên bang Nga, những hòn đảo này thuộc vùng Sakhalin", ông Medvedev nói với báo giới trên đảo Iturup, cho biết ông không quan tâm đến phản ứng của Nhật, theo hãng tin Tass.
Nhat, Han leo thang thuong chien va Dong Bac A ngay cang bien dong-Hinh-3
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến Iturup lần đầu vào tháng 8/2015. Ảnh: Reuters. 
Đây là chuyến đi thứ tư của ông Medvedev đến Nam Kuril, sau lần gần nhất là năm 2015. Tháng 11/2010, khi đang là tổng thống, ông Medvedev đã đến thăm Kunashir (hay Kunashiri), một đảo khác trong nhóm, trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đặt chân tới nhóm đảo tranh chấp. Ông trở lại Kunashir vào tháng 7/2012 và đến Iturup lần đầu vào tháng 8/2015, theo Japan Times.
Mỗi chuyến thăm đều vấp phải sự phản đối chính thức từ Tokyo và quan hệ song phương trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi ông nói với cư dân trên đảo Kunashir năm 2012 rằng Moscow sẽ không bao giờ trả lại các đảo cho Nhật.
Hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Nhật phát đi thông cáo nói Tokyo hối tiếc sâu sắc về chuyến đi của thủ tướng Nga. Tuy nhiên, Moscow lại bác bỏ tuyên bố này như những lần trước đó.
Hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Putin đã đồng ý tăng cường đối thoại về hiệp ước hòa bình dựa trên tuyên bố chung năm 1956, trong đó đề cập đến việc trao lại hai đảo trong nhóm - Shikotan và Khabomai (hay Habomai) - cho Nhật. Tuy nhiên đến nay việc đàm phán vẫn chưa có thêm tiến triển.
Theo Đông Phong/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)