Trung Quốc xây đập ồ ạt trên sông Mekong, Mỹ bức xúc

Google News

(Kiến Thức) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích việc Trung Quốc cho xây hàng loạt đập thủy điện trên sông Mekong, khiến mực nước sông này xuống thấp lỷ lục và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước ở khu vực hạ lưu. 

Ngày 1/8, Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI) lần thứ 12 đã diễn ra tại thủ đô Bangkok dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Tổng Thư ký ASEAN.
Trung Quoc xay dap o at tren song Mekong, My buc xuc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp ở Bangkok ngày 1/8. Ảnh: Reuters.  
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc cho xây vô tội vạ đập thủy điện trên sông Mekong, khiến mực nước sông xuống thấp lỷ lục, làm ảnh hưởng đến tuyến đường vận chuyển huyết mạch này cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước ở khu vực hạ lưu.
"Mực nước của con sông Mekong đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, một vấn đề có liên quan đến việc Trung Quốc xây đập giữ nước ở thượng nguồn", hãng thông tấn Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, Trung Quốc muốn kiểm soát dòng chảy của sông Mekong bằng cách xây đập ồ ạt trên thượng nguồn dòng sông này.
Trước tình hình trên, vị quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ thông báo sẽ cùng Nhật Bản thiết lập "Đối tác năng lượng khu vực Mekong" (JUMPP) nhằm hỗ trợ các nước Mekong bảo đảm an ninh năng lượng một cách bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, AP đưa tin, Trung Quốc cho xây dựng 10 con đập ở thượng lưu sông Mekong trên lãnh thổ nước này. Tại đây, họ tiến hành nạo vét sông và san bằng các ghềnh thác để các tàu chở hàng lớn có thể qua lại.
Các nhà hoạt động môi trường cảnh báo, những hành động này có thể gây gián đoạn và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, kinh tế và cuộc sống của người dân ở các nước hạ nguồn.

Mời độc giả xem thêm video: Hàng trăm người mất tích do vỡ đập thuỷ điện tại Lào (Nguồn: VTC14)

Trước đó, theo nghiên cứu của Mekong Freedom Network, những đập thủy điện chắn ngang sông Mekong trên đất Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng hơn 40 tỉ m3 nước cho các mục đích phát điện và tưới tiêu,...
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có kế hoạch xây thêm nhiều con đập khác, qua đó họ có thể tác động đáng kể tới lưu lượng nước trên sông vào mùa mưa và mùa khô thông qua việc điều chỉnh lượng nước xả và dự trữ tại các đập.
"Giờ đây, Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát nguồn nước. Chúng tôi lo ngại rằng nước sẽ bị kiểm soát bởi những người xây đập", Premrudee Deoruong đến từ Laos Dam Investment, một nhóm môi trường ở Lào, cho hay.
Sông Mekong dài 4.350 km có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của khoảng 60 triệu người dân sinh sống dọc theo lưu vực. 
Theo giới quan sát, sông Mekong có thể trở thành điểm nóng địa chính trị tiếp theo trong khu vực, bởi con sông này có giá trị như một con đường huyết mạch ra biển, một nguồn cung thực phẩm dồi dào của Đông Nam Á và điểm đến du lịch hấp dẫn.
“Khi cấu trúc quản trị hiện tại đối với sông Mekong không còn hoạt động theo kiểu tập thể và không hiệu quả nữa, chúng ta có thể sẽ chứng kiến việc nhiều quốc gia hơn hành động đơn độc để bảo đảm những thứ họ coi là lợi ích ngắn hạn”, Matt Busch, chuyên gia tại chương trình Đông Á thuộc Viện Lowy có trụ sở ở Australia, nhận định. 
Thiên An (T.H)

>> xem thêm

Bình luận(0)