Ít nhất 62 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương sau khi sóng thần tại eo biển Sunda, Indonesia, bất ngờ ập vào vùng duyên hải và các bãi biển du lịch hai đảo Sumatra và Java rạng sáng 23/12.
Người dân và du khách hoảng loạn bỏ chạy lên những vùng đất cao tìm nơi trú ẩn, trong khi hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy dưới sức tàn phá của thiên nhiên.
Theo các nhà địa chất học, núi lửa Anak Krakatoa đã phun trào gần 24 phút trước khi sóng thần xuất hiện. Nhiều khả năng đợt phun trào đã gây ra hiện tượng lở đất dưới đáy biển, kết hợp cùng thủy triều dâng trong đêm trăng tròn, gây nên sóng thần ngoài dự đoán.
|
Cảnh tan hoang tại một thị trấn duyên hải, ven eo biển Sunda, sau khi hứng chịu đợt sóng thần bất ngờ vào sáng 23/12. Ảnh: AFP. |
"Tất cả tối sầm lại"
Giới chức Indonesia đã lập tức điều động các đội phản ứng khẩn cấp đến vùng thiên tai để tiến hành công tác tìm kiếm và cứu nạn, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Theo AFP, có ít nhất 548 người bị thương và 20 trường hợp mất tích được ghi nhận tại ba tỉnh duyên hải.
Hình ảnh truyền thông Indonesia đăng tải cho thấy cảnh tượng tan hoang ở các thị trấn chịu ảnh hưởng sóng thần. Nhà cửa bị phá hủy, các mảnh vụn, cây gãy đổ xen lẫn vào bùn đất rải rác trên đường xá. Bãi biển Carita, điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia, cũng hứng chịu đợt sóng cao hơn 1 m.
Muhammad Bintang, nhân chứng nhìn tháy đợt sóng thần ập vào bãi biển Carita rạng sáng 23/12, mô tả đợt sóng cao bất thường đã nhấn chìm cả khu vực du lịch vào bóng tối.
"Chúng tôi đến bãi biển vào khoảng 21h (tối 22/12). Không lâu sau thì nước biển dâng cao. Tất cả bỗng dưng tối sầm lại. Điện tắt hết", thiếu niên 15 tuổi kể lại. "Hiện nay tình hình bên ngoài rất rối loạn. Chúng tôi vẫn chưa thể đi ra đường".
Tại tỉnh Lampung, phía bên kia eo biển Sunda, Lutfi Al Rasyid kể rằng anh tưởng mình đã chết khi sóng thần ập vào bãi biển thành phố Kalianda. Thành phố nằm ở phía nam đảo Sumatra cũng là nạn nhân của đợt sóng thần gây ra bởi phun trào núi lửa.
"Tôi không thể nổ máy xe môtô. Vậy là tôi bỏ cả xe và bắt đầu chạy. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện và chạy xa nhất có thể", thanh niên 23 tuổi kể lại khoảnh khắc kinh hoàng với AFP.
|
Đội tìm kiếm cứu nạn tại bãi biển Carita tập trung thi thể các nạn nhân sáng 23/12. Ảnh: AFP. |
Nhầm lẫn trong thông báo đầu tiên
Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, đại diện Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu liệu đợt núi lửa phun trào cùng với thủy triều dâng có chính xác là nguyên nhân gây nên sóng thần hay không.
"Sự kết hợp của hai hiện tượng này có thể dẫn đến sóng thần đột ngột ập vào bờ biển các tỉnh", ông cho biết, đồng thời cảnh báo số thương vong có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các đội cứu hộ tiếp cận vùng gặp nạn.
Tuy nhiên, giới chức Indonesia ban đầu không phát cảnh báo sóng thần khi nhận thông tin về vụ việc. Thay vào đó, cơ quan chức năng chỉ khẳng định đó là hiện tượng triều cường và đề nghị người dân không hoảng loạn.
Ông Sutopo sau đó đã đăng tải trên Twitter lời xin lỗi công chúng về thông báo nhầm. Ông nói các cơ quan địa chất không phát hiện động đất nên việc xác định sớm nguy cơ sóng thần gặp nhiều khó khăn.
Theo ước tính ban đầu của BNPB, khu vực chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất là quận Pandeglang, phía tây đảo Java. Có ít nhất 33 người thiệt mạng và 491 người bị thương tại đây.
Ông Sutopo nhấn mạnh trang thiết bị hạng nặng đang được chuyển đến những vùng chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất để hỗ trợ tìm kiếm người sống sót. Những trại lánh nạn dã chiến đang được thiết lập.
"Chúng tôi đã sơ tán nhiều nạn nhân và đưa các thi thể đến phòng khám và bệnh viện địa phương. Đa số những trường hợp bị thương là do gãy xương", Abu Salim, tình nguyện viên đội cứu hộ Tagana, mô tả tình hình tại tỉnh Banten.
|
Núi lửa Anak Krakatoa đã hoạt động mạnh trở lại từ tháng 6. Ảnh: Reuters. |
"Đứa con" của Krakatoa
Anak Krakatoa trong tiếng địa phương nghĩa là "Đứa con" của Krakatoa. Ngọn núi lửa "mẹ" từng phun trào dữ dội vào năm 1883 với sức công phá tương đương 200.000 tấn thuốc nổ TNT, gấp 13.000 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Krakatoa được xem là đợt phun trào núi lửa dữ dội nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Vụ nổ giải phóng hơn 25 tỷ m3 đất đá. Tiếng nổ có thể được nghe thấy cách xa 3.600 km. Đợt phun trào đã xóa sổ hơn 165 ngôi làng và thị trấn lân cận, khiến hơn 36.000 người thiệt mạng.
Anak Krakatoa hình thành vào năm 1927 tại chính nơi từng xảy ra vụ nổ lịch sử. Ngọn núi lửa bắt đầu hoạt động trở lại từ tháng 6. Các nhà địa chất học ghi nhận mức độ hoạt động của núi lửa tăng mạnh những ngày qua. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu người dân không tiếp cận khu vực 2 km quanh miệng núi lửa.
Trong ngày 22/12, núi lửa có hai đợt phun trào vào khoảng 16h và 21h, phun tro và khói cao hàng trăm mét.
Indonesia trong năm 2018 đã hứng chịu liên tiếp nhiều đợt sóng thần gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thảm họa kép động đất - sóng thần vào tháng 9 tại đảo Sulawesi khiến ít nhất 832 người thiệt mạng, đa số nạn nhân sống tại thành phố Palu.
Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên "vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia đã phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai như động đất, núi lửa và sóng thần trong lịch sử. Anak Krakatoa chỉ là một trong 127 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia.