Ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xác nhận Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm Triều Tiên trong hai ngày 2 và 3/5 theo lời mời của người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho.
Chuyến đi của ông Vương diễn ra trước cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều và sau thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4. Đây là chuyến thăm cấp ngoại trưởng đầu tiên của Trung Quốc tới Triều Tiên kể từ năm 2007, theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.
|
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho bên lề một hội nghị ASEAN tại Philippines tháng 8-2017 - Ảnh: REUTERS |
Nó cho thấy Bắc Kinh không muốn bị gạt ra ngoài trước những diễn biến sôi động trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc, một bên tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) muốn họ phải là một trong những quốc gia có vai trò quan trọng trong tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và cũng là một trong những quốc gia ủng hộ thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân của nước này.
Hồi tháng 3, trước thềm thượng đỉnh liên Triều, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bí mật tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bắc Kinh sau đó đáp lễ bằng chuyến đi tới Triều Tiên của ông Tống Đào - Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bàn về chuyện cải thiện quan hệ Trung-Triều.
"Chuyến đi lần này của ông Vương Nghị còn ở cấp cao hơn ông Tống và chuyển tải các thông điệp quan trọng hơn", chuyên gia Triệu Thống thuộc Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa về chính sách toàn cầu tại Bắc Kinh nhấn mạnh.
"Bắc Kinh muốn thử thăm dò xem hai miền Triều Tiên có ý gì khi nói 'cùng nhau phối hợp chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên thông qua đối thoại 3 hoặc 4 bên' (trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm sau thượng đỉnh liên Triều). Người Trung Quốc lo ngại họ sẽ chỉ được cho vào khi Mỹ - Hàn - Triều đã nói chuyện xong.
Ngoại trưởng Vương Nghị có thể sẽ cố thuyết phục Bình Nhưỡng, đảm bảo vai trò của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán hòa bình 4 bên", ông Triệu suy đoán.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un gần đây đã tuyên bố sẽ ngừng thử tên lửa, hạt nhân nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ điều kiện nào với Mỹ, ngoại trừ việc Washington đảm bảo an ninh quốc gia cho Bình Nhưỡng.
Điều đó đồng nghĩa Triều Tiên đã phớt lờ giải pháp "có qua có lại" do Trung Quốc đề xuất, cụ thể Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân thì Mỹ - Hàn cũng phải ngừng các cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên.
"Ông Kim cũng chẳng thèm nói gì tới chuyện lính Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, điều mà Trung Quốc thực sự muốn nhất", bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), chỉ rõ ra mấu chốt.
Tin từ chính phủ Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã ngỏ ý mời các thanh sát viên quốc tế đến chứng thực việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong tháng 5 này. Bắc Kinh chắc chắn không muốn bị gạt ra tiến trình giám sát này nên sẽ thông qua ngoại trưởng Vương Nghị chuyển lời tới Bình Nhưỡng, giới chuyên gia suy đoán.