Cơ quan thực thi pháp luật Nga hôm 1/4 thông báo đang tiến hành cuộc điều tra theo thủ tục, sau khi xem xét khiếu nại của các nghị sĩ và người dân gửi đến tuần trước. Khiếu nại cáo buộc Mỹ, Ukraine và các nước đồng minh đứng sau hàng loạt vụ tập kích ở xứ sở bạch dương. Ủy ban điều tra Nga cho biết đang xác minh liệu những nước này có “tổ chức, tài trợ và thực hiện các hành động khủng bố” hay không.
|
Trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall ở tây bắc Moscow bị cháy rụi trong vụ tấn công khủng bố tối 22/3. Ảnh: Reuters. |
Theo đài RT, đơn khiếu nại do 3 nhà lập pháp Nga cũng như một số nhân vật nổi tiếng công chúng đứng tên, bao gồm cả triết gia nổi tiếng Aleksandr Dugin. Con gái của ông Dugin đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe tình nghi nhằm ám sát người cha theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia vào tháng 8/2022.
Nghị sĩ Nikolay Kharitonov, người cũng ký tên dưới đơn khiếu nại, cáo buộc các quốc gia phương Tây đã “được hưởng lợi” từ vụ xả súng đẫm máu tại trung tâm hòa nhạc Crocus City Hall ở vùng ngoại ô tây bắc thủ đô Moscow tối 22/3. Theo ông Kharitonov, các đối thủ địa chính trị của Nga sẽ được hưởng lợi từ thảm kịch này nhờ “khả năng không thể tiếp cận và không bị trừng phạt của họ”.
Hơn 140 nạn nhân đã thiệt mạng và khoảng 200 người khác bị thương trong sự cố. Cho đến nay, nhà chức trách Nga đã bắt giữ tổng cộng 12 nghi phạm, bao gồm cả 4 tay súng trực tiếp gây ra thảm án.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K), chi nhánh tại Afghanistan của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ việc. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều khẳng định có thông tin tình báo xác nhận ISIS-K đứng sau sự vụ và Ukraine “vô can”. Kiev cũng quả quyết không dính líu đến những gì đã xảy ra.
Tuy nhiên, các nhà điều tra Nga tuyên bố đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy Ukraine có thể dính líu đến vụ khủng bố ở Crocus City Hall. Họ cũng cáo buộc các điệp viên của Kiev đứng sau vụ sát hại con gái ông Dugin.
Chính phủ Ukraine đã công khai nhận trách nhiệm về một số vụ tập kích nhằm vào các mục tiêu Nga, chẳng hạn như vụ đánh bom cầu Kerch ở Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasily Malyuk từng đề cập đến một loạt vụ ám sát nhằm vào những người ông mô tả là “kẻ thù của đất nước mình".