Hôm 12/2, hãng thông tấn Interfax, dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga, cho biết một tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ đã bị tàu khu trục Marshal Shaposhnikov của Nga xua đuổi sau khi tàu ngầm này phớt lờ lệnh yêu cầu nổi lên mặt nước.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm của Mỹ được phát hiện gần quần đảo Kuril vào sáng sớm ngày 12/2, giữa lúc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang tiến hành tập trận. Thủy thủ đoàn của tàu Marshal Shaposhnikov đã sử dụng "các phương tiện thích hợp" để khiến tàu ngầm này rời khỏi vùng biển của Nga.
|
Tàu khu trục Marshal Shaposhnikov của Nga. Ảnh: Naval Post |
“Tàu ngầm Mỹ đã rời khỏi lãnh hải Nga với tốc độ tối đa", Interfax đưa tin. Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết đã thông báo sự việc với tùy viên quốc phòng Mỹ. Moscow cáo buộc Washington vi phạm luật pháp quốc tế và tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với họ.
Phản hồi trước những thông tin trên, Đại úy Kyle Raines, người phát ngôn quân đội Mỹ, đã ra tuyên bố bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Nga. "Không có sự thật nào trong tuyên bố của Nga về các hoạt động của chúng tôi tại lãnh hải của họ", ông Raines cho biết.
Người phát ngôn quân đội Mỹ từ chối cung cấp thông tin về vị trí chính xác của các tàu ngầm Mỹ, song khẳng định chúng “vẫn hoạt động an toàn trong vùng biển quốc tế”.
Theo hãng thông tấn Reuters, Mỹ thông thường có thể giám sát hoạt động quân sự được thực hiện bởi các quốc gia khác mà không cần phải đi vào lãnh hải của họ.
Quần đảo Kuril bao gồm 56 đảo, trải dài 1.300km từ phía đông bắc đảo Hokkaido (Nhật Bản) đến Kamchatka (Nga). Đây là quần đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản.
Hiện chưa rõ Nga cáo buộc Mỹ xâm phạm vùng biển ở vị trí cụ thể nào tại quần đảo này. Vụ việc xảy ra giữa lúc quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang ở mức căng thẳng cao độ, liên quan đến vấn đề Nga xây dựng lực lượng gần lãnh thổ Ukraina.
Nhiều nước sơ tán đại sứ quán, kêu gọi công dân rời Ukraina
Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 12/2 cho biết, các nhân viên đại sứ quán của nước này tại Ukraina đã di chuyển từ Kiev đến một văn phòng tạm thời ở thành phố Lviv phía tây nước này, cách biên giới với Ba Lan khoảng 70 km.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Payne cũng khuyến cáo các công dân Australia đang sinh sống và làm việc tại Ukraina nên rời đi ngay lập tức bằng các phương tiện thương mại.
Trước đó cùng ngày, Nga thông báo đã quyết định sơ tán một số nhân viên ngoại giao khỏi Ukraina vì lo ngại căng thẳng leo thang.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng thời điểm cũng ra tuyên bố yêu cầu hầu hết nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Kiev rời đi, do lo ngại các động thái quân sự của Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Joe Biden đều kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Ukraina "ngay lập tức".
Cũng trong ngày 12/2, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly thông báo nước này đang chuyển đại sứ quán ở Ukraina từ Kiev đến Lviv trong bối cảnh "tình hình an ninh tiếp tục xấu đi do việc tăng cường quân đội Nga ở biên giới Ukraina".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động tại đại sứ quán ở Kiev ngay sau khi tình hình an ninh ở Ukraina cho phép chúng tôi đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ và đảm bảo an ninh cho nhân viên của chúng tôi", Ngoại trưởng Joly nói thêm.
Israel tuần này cũng kêu gọi công dân rời khỏi Ukraina vì lo ngại xung đột có thể xảy ra. Thông báo được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố sơ tán gia đình của các nhà ngoại giao đang làm nhiệm vụ tại Ukraina.
Trong một động thái tương tự, Bộ Ngoại giao Anh thông báo nước này bắt đầu rút các nhà ngoại giao và gia đình của họ khỏi Ukraina từ tháng 1. Công dân Anh cũng được khuyến cáo "rời Ukraina ngay lập tức trong khi các phương tiện thương mại vẫn còn hoạt động".
Ngoài ra, giới chức các nước Slovakia và Slovenia cũng khuyến cáo công dân không đến Ukraina vào thời điểm hiện tại để đảm bảo an toàn trước nguy cơ xung đột xảy ra.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh phương Tây cáo buộc Nga triển khai hơn 100.000 quân ở sát biên giới với Ukraina, với lo ngại Moscow có thể tấn công vào nước láng giềng. Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời khẳng định các động thái quân sự gần biên giới với Ukraina chỉ mang tính tự vệ.