Máy bay do thám mang số hiệu 168848 thuộc biên chế của đơn vị VP-26 Tridents và nằm trong đội bay hải quân Mỹ. Máy bay này đã tiếp cận bán đảo Crưm ở khoảng cách 31 km, theo Sputnik.
|
Trang PlaneRadar cho biết chiếc Poseidon P-8A của Mỹ thực hiện chuyến do thám dọc theo đường ở biển Nga trên Biển Đen. (Ảnh chụp màn mình) |
Trước đó, ngày 26/11, cổng thông tin của quân đội Ukraine cho biết, một máy bay do thám RC-135V của Mỹ đã rời căn cứ hải quân ở Vịnh Souda trên đảo Crete của Hy Lạp, vào lúc 5 giờ 50 phút sáng (giờ GMT), sau đó bay về phía Đông. Chiếc máy bay do thám điện tử trên xuất hiện trên không phận Bulgaria vào lúc 6 giờ 30 phút (giờ GMT) và bay về hướng bán đảo Crưm.
Hành động điều máy bay do thám của Mỹ diễn ra sau khi 3 tàu hải quân Ukraine bị lực lượng biên phòng Nga bắt giữ ở eo biển Kerch với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga hôm 25/11.
Bộ Ngoại giao Nga mô tả các hoạt động của tàu Ukraine là khiêu khích nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi đó Ukraine cho rằng Hải quân Nga đã có hành động hung hăng khi sử dụng vũ khí và bắt các tàu này, kêu gọi quốc tế trừng phạt Nga.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đêm 26/11 (giờ Việt Nam), Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói Mỹ hoan nghênh một mối quan hệ bình thường với Nga, nhưng “những hành động phi pháp như thế này tiếp tục khiến điều đó trở nên bất khả thi” - đề cập đến việc Nga bắt giữ các tàu Ukraine.
Đại sứ Mỹ gay gắt chỉ trích Nga trong vụ việc, nói việc bắt giữ các tàu của Ukraine và là một hành động liều lĩnh của Nga. Dù vậy, bà Haley không đề cập cụ thể đến các lệnh trừng phạt, thay vào đó kêu gọi hai bên giảm leo thang căng thẳng trên bán đảo Crưm.
Vụ đụng độ không chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ giữa Matxcơva và Kiev mà còn tác động tới quan hệ Nga-Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cảnh báo có thể hủy kế hoạch gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vì vụ đụng độ trên biển của Nga với Ukraine.