Căng thẳng Nga-Ukraine: Các “ông lớn” phản ứng ra sao?

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), NATO và Liên Hợp Quốc đã lên tiếng sau vụ lực lượng Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu chiến thuộc Hải quân Ukraine được cho là xâm phạm lãnh hải của Nga trên Biển Đen sáng 25/11.

Sáng 25/11, khi lực lượng Biên phòng Nga nổ súng và bắt giữ ba tàu Hải quân Ukraine được cho là xâm phạm vùng biển của Nga ngoài khơi bán đảo Crimea trên Biển Đen, đã khiến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng và dư luận lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Moscow và Kiev có thể xảy ra.
Sau vụ việc này, Tổng thống Mỹ Donald nói với các phóng viên rằng ông không thích những gì đang xảy ra giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch vừa qua, đồng thời hy vọng vụ việc sẽ được giải quyết và tình hình có thể sớm ổn định.
"Chúng tôi không thích những điều đã xảy ra… Chúng tôi đang làm việc với nhau về vấn đề này", Sputnik dẫn lời ông chủ Nhà Trắng.
Cang thang Nga-Ukraine: Cac “ong lon” phan ung ra sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NY Daily News. 
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ngày 26/11, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết Mỹ ủng hộ Ukraine về vụ việc này.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng hành động Nga bắt giữ các tàu chiến Ukraine là một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi cả hai nước kiềm chế.
"Mỹ lên án hành động gây hấn của Nga. Chúng tôi kêu gọi Nga thả các tàu Ukraine và các thành viên thủy thủ đoàn bị giam giữ, cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", Ngoại trưởng Pompeo phát biểu.
Cũng tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/11, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Liên Hợp Quốc, bà Rosemary DiCarlo, đã kêu gọi cả Nga và Ukraine tránh các hành động khiến gia tăng đối đầu trên biển có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước.
Cang thang Nga-Ukraine: Cac “ong lon” phan ung ra sao?-Hinh-2
Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng hơn sau vụ đụng độ trên Biển Đen ngày 25/11. Ảnh: Sputnik. 
Đồng thời, bà Rosemary nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện ngay lập tức các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Azov và Biển Đen sau vụ bắt giữ tàu chiến Ukraine, kêu gọi các bên theo đuổi nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua giữa Nga và Ukraine.
Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cuộc cuộc điện đàm để thảo luận về vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch ngày 25/11. Trong cuộc điện đàm này, Moscow bày tỏ lo ngại về quyết định ban bố thiết quân luật trên toàn quốc của Kiev.

Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh ban bố thiết quân luật trên toàn quốc trong 60 ngày (Nguồn: Youtube)

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Nga thả ngay lập tức các thủy thủ và tàu chiến của Ukraine bị lực lượng Nga bắt giữ khi cố tiến vào eo biển Kerch, nối giữa Biển Đen và Biển Azov, hôm 25/11.
“Không có lời biện minh nào cho việc sử dụng sức mạnh quân sự nhằm vào các tàu và thủy thủ Ukraine. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Nga thả ngay lập tức các thủy thủ và tàu Ukraine bị bắt giữ hôm 25/11. Chúng tôi kêu gọi sự bình tĩnh và kiềm chế trong vấn đề này”, Tổng thư ký NATO phát biểu.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ukraine trên Biển Đen, đồng thời kêu gọi Moscow khôi phục tự do đi lại tại eo biển Kerch cũng như đảm bảo việc tự do tiếp cận các cảng của Ukraine tại Biển Azov phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thiên An (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)