Đường bay giữa thành phố Sapporo và sân bay Haneda (Tokyo) là tuyến hàng không bận rộn nhất của Nhật Bản, trong đó có 16 chuyến khứ hồi mỗi ngày của Japan Airlines (JAL).
Nhưng khi chiếc máy bay Airbus A350 của JAL đi theo lộ trình này đến Haneda hôm 2/1, một vụ va chạm hy hữu đã xảy ra trên đường băng dẫn đến cuộc sơ tán và cứu hộ suôn sẻ mà nhiều người mô tả là kỳ diệu.
Chiếc máy bay chở khách đã biến thành quả cầu lửa khi vừa hạ cánh vì va chạm với một máy bay nhỏ của lực lượng bảo vệ bờ biển. Năm trong số sáu thành viên phi hành đoàn trên máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển đã thiệt mạng. Trong khi tất cả 379 người trên chiếc A350 đã may mắn thoát ra ngoài an toàn.
Lời kể nhân chứng
Ngay khi máy bay đáp xuống đường băng, hành khách Satoshi Yamake (59 tuổi, đang trở về Tokyo sau khi đi thăm họ hàng ở quê nhà) bất ngờ nghe thấy âm thanh lạch cạch và một tiếng nổ lớn khiến động cơ bốc cháy dữ dội.
Khoang hành khách nhanh chóng chìm trong biển khói. Một số người lo lắng chạy dọc lối đi, trong khi những người khác ôm chặt các em nhỏ đang la hét vì hoảng sợ.
“Xin hãy cho tôi ra khỏi đây”, một phụ nữ hét lên trong đoạn video được chia sẻ bởi Reuters từ bên trong máy bay. “Tại sao họ không mở cửa?” một đứa trẻ nói.
“Tôi thực sự nghĩ mình sắp chết”, Tsubasa Sawada (28 tuổi, một cư dân Tokyo, đang trở về sau kỳ nghỉ ở Sapporo cùng bạn gái) cho biết.
Các tiếp viên dường như đã kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh và nói "xin hãy hợp tác", theo đoạn video được chia sẻ bởi Reuters.
Bên ngoài, 115 đơn vị cứu hỏa đã được triển khai tới hiện trường.
|
Chiếc máy bay bốc cháy dữ dội sau vụ va chạm. Ảnh: Reuters
|
Ông Satoshi Yamake - ngồi ở hàng ghế trên - cho biết mặc dù một số hành khách rất lo lắng nhưng phi hành đoàn đã nhanh chóng triển khai máng trượt sơ tán và mọi người bắt đầu xuống máy bay một cách trật tự.
Ryosuke Sakamoto (55 tuổi, đến từ Tokyo) cũng xác nhận các hành khách ở gần ông hầu như không hoảng loạn và vẫn giữ bình tĩnh trong suốt quá trình sơ tán.
Hãng hàng không cho biết việc sơ tán bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi máy bay dừng lại và tất cả các hành khách đã được đưa đến nơi an toàn trong vòng chưa đầy 20 phút.
Video từ hiện trường cho thấy hành khách được sơ tán một cách bình tĩnh, dường như không có hành lý xách tay. Các cơ quan an toàn hàng không đã cảnh báo trong nhiều năm rằng việc cố quay lại lấy hành lý xách tay có nguy cơ gây tử vong trong quá trình sơ tán.
Paul Hayes, chuyên gia an toàn hàng không của công ty tư vấn Ascend nói: "Phi hành đoàn đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Dường như không có bất kỳ hành lý xách tay nào. Thật kỳ diệu khi tất cả hành khách đều thoát ra ngoài."
Một quan chức Bộ Giao thông Nhật Bản cho biết trong một cuộc họp báo rằng thủ tục sơ tán của hãng hàng không đã được "tiến hành phù hợp".
Uchida (ngoài 40 tuổi, đến từ tỉnh Chiba) kể lại rằng các hành khách được yêu cầu giữ bình tĩnh và phải mất vài phút trước khi cửa máy bay mở ra, mọi người mới được sơ tán. Uchida cho biết cô đã nghe thấy tiếng nổ lách tách sau khi rời máy bay và lo sợ thứ gì đó sẽ phát nổ.
Các hành khách được tập trung ở một khu vực cách xa máy bay. Họ được yêu cầu nắm tay nhau theo nhóm mười người và ngồi xuống chờ đợi.
|
Các hành khách tại sân bay đứng theo dõi vụ việc từ xa. Ảnh: Reuters
|
Hành khách Tsubasa Sawada cho biết khoảng 10 phút sau khi họ rời đi, đã có một vụ nổ trên máy bay.
“Tôi chỉ có thể nói đó là một phép lạ, chúng tôi có thể đã chết nếu sơ tán muộn”, Sawada nói. "Tôi muốn biết nguyên nhân vụ tai nạn và tôi cảm thấy mình không muốn lên máy bay nữa."
Khi chiếc máy bay chở khách dừng lại, cơ trưởng của máy bay lực lượng bảo vệ bờ biển, Genki Miyamoto (39 tuổi) đã tự chui ra khỏi đống đổ nát và liên lạc với căn cứ.
"Máy bay phát nổ trên đường băng. Tôi đã thoát ra ngoài. Hiện chưa rõ tình trạng của các thành viên phi hành đoàn khác", ông nói. Sau đó, năm thành viên còn lại, tuổi từ 27 đến 56, được xác định đã thiệt mạng.
|
Hàng loạt chuyến bay bị hủy tại sân bay Haneda vì các đường băng bị đóng sau tai nạn. Ảnh: Kyodo News
|
|
Các hành khách được sơ tán từ chiếc máy bay gặp tai nạn. Ảnh: Kyodo News
|
Sự cố bất thường
Ngành hàng không thế giới nói chung đã cố gắng giảm đáng kể số vụ tai nạn do va chạm trên đường băng kể từ khi có các quy trình theo dõi mặt đất tiên tiến hơn.
Cơ quan chức năng Nhật Bản đang điều tra các tình huống dẫn đến vụ tai nạn mà họ đánh giá là rất bất thường.
Nguồn thạo tin cho biết Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản (JTSB) sẽ dẫn đầu cuộc điều tra với sự tham gia của các cơ quan ở Pháp - nơi chiếc máy bay được lắp ráp và Anh - nơi sản xuất hai động cơ Rolls-Royce của máy bay.
Các chuyên gia nói rằng còn quá sớm để xác định nguyên nhân và nhấn mạnh rằng hầu hết các vụ tai nạn đều do nhiều yếu tố gây ra.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là tìm kiếm chiếc hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm giọng nói trong buồng lái. Vì vụ tai nạn xảy ra ở sân bay nên các bằng chứng vật lý, dữ liệu radar, lời kể nhân chứng hoặc cảnh quay từ camera an ninh sẽ có thể thu thập dễ dàng.
|
Chiếc máy bay nát đầu vì vụ va chạm. Ảnh: Kyodo News
|
Chuyên gia Paul Hayes nói: "Một câu hỏi cần phải trả lời là máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển có đậu trên đường băng hay không, và nếu có thì tại sao?".
Ngành hàng không Nhật Bản có thành tích an toàn cao, không có sự cố chết người nào liên quan đến máy bay thương mại trong thế kỷ này.
Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên trên thế giới liên quan đến Airbus A350 kể từ khi máy bay này được đưa vào sử dụng từ năm 2015.
Mặc dù các vụ va chạm trên mặt đất gây thương tích hoặc thiệt hại đã trở nên hiếm gặp, nhưng khả năng gây tử vong của chúng nằm ở mức cao nhất so với bất kỳ hình thức tai nạn nào khác. Vụ va chạm giữa hai chiếc Boeing 747 ở đảo Tenerife (Tây Ban Nha) năm 1977, khiến 583 người thiệt mạng, vẫn là vụ tai nạn chết người nhất của ngành hàng không.