Nhận 2,25 triệu USD tiền "cảm ơn", cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói "tôi đã sai, tôi xin lỗi"
Cuối giờ chiều 3-1, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khai thời điểm diễn ra dịch COVID-19, mọi việc rất cấp bách. Khi dịch có những diễn biến phức tạp, vào tháng 2-2020, bị cáo được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bị cáo Chu Ngọc Anh tại phiên toà. Ảnh: H.P.
Nhận nhiệm vụ một thời gian, ông được Nguyễn Huỳnh (cựu phó phòng quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) thúc đẩy tác động với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sớm cấp phép lưu hành kit test COVID-19 cho Công ty Việt Á. Tuy nhiên, bị cáo là cựu bộ trưởng Bộ Y tế không đồng ý.
"Lúc đó, bị cáo không tin Việt Á sản xuất được kit test. Tại một buổi gặp mặt ngày 4-3-2020, bị cáo còn tuyên dương kit test của Học viện Quân y" - bị cáo Long khai và cho biết thêm sau đó khi Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế) báo cáo về việc cấp phép cho Việt Á, bị cáo "có nhắc anh Tuấn cấp phép tạm thời 6 tháng".
Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định biết Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, từ năm 2017 nhưng không hề ưu ái sản phẩm kit test của Việt Á. Việc cấp phép chính thức cho kit test Việt Á là vì cái chung "nôn nóng" có sản phẩm chống dịch.
Dù khẳng định không ưu ái gì đối với Việt Á và Phan Quốc Việt, song bị cáo Long thừa nhận thông qua Nguyễn Huỳnh đã nhận 2,2 triệu USD của Việt. Ngoài ra, bị cáo cũng nhận trực tiếp từ Việt 50.000 USD.
"Khi hỏi đây là tiền gì thì Huỳnh nói là tiền cảm ơn do Việt Á làm ăn được. Tôi đã sai, tôi xin lỗi" - cựu bộ trưởng Y tế nói và cho biết việc nhận tiền diễn ra nhiều lần song do Việt chủ động chứ bị cáo không "gợi ý". Về số tiền 2,25 triệu USD đã nhận, bị cáo Long cho hay đến nay đã tác động gia đình khắc phục toàn bộ.
Cùng chiều 3-1, trong phần xét hỏi bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) thừa nhận 3 vi phạm gồm: Ký quyết định cho Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài sản xuất kit test; để Việt Á mang kết quả nghiên cứu đề tài đi đăng ký lưu hành rồi sản xuất, bán thu lời; chỉ đạo bị cáo Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ KH-CN, tổ chức họp báo, khen thưởng Việt Á và Phan Quốc Việt.
Cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận ngay từ đầu, việc bị cáo ký các quyết định giao đề tài nghiên cứu cho Học viện Quân y đã có những vi phạm. Thông thường, bị cáo không ký các đề tài khoa học công nghệ mà do các thứ trưởng ký. Tuy nhiên, với đề tài nghiên cứu kit test, bị cáo đích thân ký do bối cảnh dịch bệnh cấp bách, cần ký luôn để kịp tiến độ. "Bị cáo thấy cáo buộc là xác đáng. Bị cáo tự ý thức được trách nhiệm của mình" - bị cáo Chu Ngọc Anh khai nhận.
Về việc nhận 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, cựu bộ trưởng Bộ KH-CN khai ngày 27-8-2020, Việt nhờ Chánh văn phòng bộ dẫn lên phòng làm việc của bị cáo, nói muốn gặp để báo cáo tình hình chống dịch và giới thiệu sản phẩm mới. Khi vào phòng, Việt đưa một túi quà, nói bên trong có sản phẩm của Công ty Việt Á nên bị cáo đồng ý nhận, để ở chỗ nghỉ trong phòng làm việc.
"Bị cáo có việc phải đi, không nghĩ trong túi có tiền nên để trong phòng. Nếu biết, bị cáo đã cất vào tủ"- bị cáo Chu Ngọc Anh khai và cho biết thêm khoảng một tháng sau, khi dọn phòng để chuyển sang UBND TP Hà Nội công tác, bị cáo kiểm tra chiếc túi mới phát hiện bên trong có tiền.
"Lúc đó, bị cáo cất tiền vào vali với mục đích sẽ đem trả lại cho Việt. Tuy nhiên, do phòng làm việc ở UBND TP Hà Nội chưa dọn xong, bị cáo đem vali tiền về cất ở nhà và sau đó quên vì bận chống dịch"- bị cáo nói và cho biết việc nhận tiền của doanh nghiệp là sai, bị cáo muốn trả lại nhưng 21 tháng ở Hà Nội đều bận chống dịch "Bị cáo quên không trả lại cho Việt và đây là điều đau xót với bị cáo".
Vụ máy bay Nhật Bản bốc cháy: 90 giây kỳ tích và quy tắc “sống còn”
Không ai bị thương nặng
Đó là kết quả thần kỳ sau khi máy bay của hãng hàng không Japan Airlines (JAL) va chạm với một máy bay của lực lượng cảnh sát biển khi hạ cánh xuống sân bay Haneda, thủ đô Tokyo, hôm 2-1.
Tốc độ sơ tán hành khách của phi hành đoàn trong vụ tai nạn kể trên được chính các chuyên gia hàng không đánh giá là một kỳ tích và là một minh chứng cho hệ thống khẩn cấp của máy bay.
Giới chuyên gia nhận định với Channel NewsAsia (CNA) rằng hành khách đã tuân thủ quy trình sơ tán khẩn cấp và không cố lấy đồ đạc của mình, trong khi các lối thoát hiểm của máy bay được triển khai hết công suất.
Theo giới chuyên gia, hoạt động sơ tán khẩn cấp trên máy bay thường bị cản trở bởi việc hành khách cố lấy hành lý.
Lượng khói tương đối ít trong cabin cũng đồng nghĩa hành khách không bị ngạt mà có thể thoát ra ngoài.
Chuyến bay JAL516 của hãng hàng không Nhật Bản bốc cháy sau khi va chạm với máy bay của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản tại sân bay Haneda hôm 2-1. Ảnh: Reuters
Chuyên gia an ninh hàng không Jeffrey Price, tại Đại học bang Colorado Metropolitan (Mỹ), phân tích: "Hành khách vẫn bình tĩnh và không hoảng sợ. Quả thật là kỳ diệu. (...) "Mất khoảng 90 giây để lửa xuyên qua thân máy bay. Như vậy, hành khách và phi hành đoàn gần như phải tự xoay xở trong khoảng 1-2 phút trước khi có sự trợ giúp".
"Tiếp viên trên máy bay xử lý tình huống tuyệt vời khi nhanh chóng mở cửa và tập hợp hành khách để đưa họ ra cửa. Chỉ từ lúc đó mới có chút bối rối khi mọi người cố gắng chạy xuống máng trượt thoát hiểm thay vì trượt xuống" – ông Desmond Ross, giám đốc điều hành công ty tư vấn và vận tải hàng không Ireland Pegasus Aviation Advisors (Ireland), nhận xét.
"Tuy nhiên, điều thực sự đáng kinh ngạc là họ có thể sơ tán toàn bộ hành khách mà không ai gặp bất kỳ chấn thương nặng nào" – ông Ross nói thêm.
Lời kể của hành khách
Chung nhận định là ông Graham Braithwaite, chuyên gia về an toàn bay tại Đại học Cranfield ở Anh.
Ông nói với trang Business Insider rằng thiết kế của máy bay và chương trình đào tạo nghiêm ngặt, trình độ cao của nhân viên JAL có thể là chìa khóa ngăn chặn thảm kịch về nhân mạng.
Uchida, một hành khách ở độ tuổi 40 đến từ tỉnh Chiba, cho biết bà ngồi ở ghế gần cửa sổ bên phải máy bay khi máy bay gặp nạn.
Toàn bộ 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay JAL516 của hãng hàng không Nhật Bản đã thoát ra ngoài chỉ sau 90 giây mà không ai bị thương nặng. Ảnh: AP
Bà cho hay máy bay phát ra tiếng động lớn khi hạ cánh nhưng bà không nghĩ là do va chạm. Ban đầu, bà nghĩ rằng máy bay đã hạ cánh an toàn. Tuy nhiên, khi nhìn ra ngoài cửa sổ, bà thấy lửa bùng cháy gần cánh máy bay.
Bà Uchida cho biết thêm hành khách đã được phi hành đoàn yêu cầu giữ bình tĩnh và phải mất vài phút trước khi cửa máy bay mở, cho phép mọi người sơ tán. Bà cho biết thêm bà nghe thấy tiếng nổ lách tách sau khi rời máy bay và lo sợ thứ gì đó sẽ phát nổ.
Sau khi thoát ra khỏi máy bay đang bốc cháy, bà Uchida cho biết hành khách đã được kiểm đếm ở khu vực cách xa máy bay. Họ được yêu cầu nắm tay theo nhóm 10 người và ngồi xuống chờ đợi.
Vụ sát hại bạn gái, phi tang xác xuống sông, nghi phạm được đưa đến hiện trường gây án
Ngô Minh Thông (SN 1995, ĐKTT: thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) được xác định là nghi phạm gây ra vụ án mạng giết người tình vứt xác xuống sông Hàm Luông gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Nguồn tin trên báo Công an nhân dân, trước đó vào sáng 29/12/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bến Tre nhận được tin báo về việc phát hiện một thi thể đựng trong bao nilong dạt vào bãi bồi ven sông Hàm Luông (đoạn khu vực thuộc xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre).
Đối tượng Ngô Minh Thông được đưa đến hiện trường gây án. Ảnh: CAND
Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm "Giết người" nên đã khởi tố vụ án, nhanh chóng tiến hành các biện pháp điều tra.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 31/12/2023, cơ quan Công an xác định nạn nhân là chị N.T.H. (SN 1996, ngụ phường 2, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh nhân thân và các mối quan hệ của nạn nhân, kết hợp các biện pháp rà soát, sàn lọc, cơ quan Công an phát hiện đối tượng Ngô Minh Thông có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Kết quả đấu tranh, Thông khai nhận, do có mâu thuẫn tình cảm với chị H. nên đã giết nạn nhân trên địa bàn TP Mỹ Tho (Tiền Giang), sau đó chở thi thể đến cầu Hàm Luông (đoạn thuộc xã Bình Phú, TP Bến Tre) vứt xuống sông phi tang.
Thông và chị H. đều là cán bộ công tác tại tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt Thông còn là trung úy công an, cán bộ Công an thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Liên quan đến sự việc, tối 2/1, Phòng tham mưu công an tỉnh Tiền Giang thông tin, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã thi hành Quyết định kỷ luật "Tước Danh hiệu Công an nhân dân" đối với Trung úy Ngô Minh Thông, cán bộ Công an thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, theo báo Pháp luật TP.HCM
Đại diện lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre cũng xác nhận đang phối hợp Công an tỉnh Tiền Giang điều tra vụ án.
Xót lòng bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong rừng keo, kiến bu xung quanh
Theo báo VTC New, chiều 3/1, lãnh đạo huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, đang làm thủ tục chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên cho bé gái sơ sinh vừa phát hiện trên địa bàn.
Theo đó, lúc 11h30 cùng ngày, người dân đi làm rẫy thì nghe tiếng khóc trẻ nhỏ trong rừng keo tại thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa.
Khi đến kiểm tra, người dân phát hiện một bé gái sơ sinh, trên người quấn khăn. Cơ thể bé tím tái, máu còn dính trên thân thể, bị kiến bu đầy người.
Sau khi quấn khăn ủ ấm và sơ cứu cho bé, người dân báo chính quyền địa phương, đồng thời đưa bé về Trạm y tế xã để cấp cứu.
"Trung tâm y tế làm thủ tục để chuyển cháu xuống bệnh viện tỉnh điều trị, do tình trạng sức khỏe yếu", lãnh đạo huyện Sơn Hòa chia sẻ trên báo Dân Trí.
Còn theo bà Hờ Tem, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Hội, địa phương cũng như nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp mua sữa, bỉm và các đồ dùng cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho bé.
"Cân nặng của cháu chỉ 2,2kg. Hiện bé bú yếu, nhiều vùng da bị tổn thương nặng do kiến cắn", bà Hờ Tem thông tin.
Nơi phát hiện bé trai sơ sinh bị bỏ rơi. Ảnh: VietNamNet
Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, người dân cũng phát hiện một bé trai gần 1 tháng tuổi, nặng khoảng 4,8kg, bị bỏ rơi bên đường ở Phú Yên kèm tờ giấy nhắn nhủ được cho là của người mẹ.
Báo VietNamNet thông tin, rạng sáng 3/1, bà Võ Thị Kim Phượng (51 tuổi) phát hiện bên đường ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) có chiếc nôi màu trắng. Bên trong nôi có một bé trai gần 1 tháng tuổi, được quấn bằng khăn vải màu xanh, nặng khoảng 4,8kg.
Bên cạnh chiếc nôi là giỏ nhựa đựng quần áo, tã lót, sữa và tờ giấy được cho là của mẹ bé để lại. Nội dung bức thư viết tay thể hiện bé trai sinh ngày 7/12/2023, do hoàn cảnh khó khăn nên người mẹ không thể chăm sóc con, nhờ người khác nuôi dưỡng giúp.
Các lực lượng công an, hội phụ nữ và trạm y tế của xã Xuân Quang 3 đã ghi nhận sự việc, trực tiếp đến nơi kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho cháu bé.
Hiện tại, chính quyền địa phương đang thông báo tìm kiếm người thân của cháu bé.
Xử phạt TikToker Hứa Quốc Anh sản xuất clip gây bão mạng
Ngày 3-1, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM làm việc với ông Hứa Quốc Anh.
TikToker này bị xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Hành vi này được quy định tại Nghị định 15/2020.
Tại buổi làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM và Công an TP HCM đề nghị Tik Toker Hứa Quốc Anh nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những sự việc tương tự trong tương lai.
Đồng thời yêu cầu TikToker này chấp hành đúng quy định pháp luật có liên quan khi sử dụng internet, mạng xã hội. Việc sử dụng phải trách nhiệm, văn minh, tiến bộ, có ý nghĩa thiết thực.
Ngày 4-11-2023, ông Hứa Quốc Anh đã đăng tải video thời lượng 1 phút 25 giây có nội dung mô tả buổi chụp ảnh tại đền Angkor Wat (Campuchia). Trong clip, Hứa Quốc Anh ghép hình ảnh quốc kỳ Thái Lan, 2 vị vua Thái Lan và lồng ghép âm thanh "Hello Thái Lan".
Sau khi clip được đăng tải, cộng động mạng phản ứng thì TikToker Hứa Quốc Anh xóa clip.
Ngay khi tiếp nhận thông tin, cơ quan chức năng phối hợp xác minh để làm rõ các nội dung vi phạm của TikToker Hứa Quốc Anh.
Gia đình yêu cầu làm rõ nguyên nhân nữ sinh lớp 7 tử vong tại trung tâm y tế
Trưa 3-1, thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết một nữ sinh học lớp 7 trên địa bàn xã Cẩm Sơn đã tử vong tại trung tâm y tế huyện này.
Người thân tập trung tại Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn yêu cầu làm rõ cái chết của nữ sinh lớp 7. Ảnh: Facebook
Trước đó, theo thông tin ban đầu, ngày 2-1, em N.M.P. (13 tuổi, trú xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) bị nôn mửa, ho nên được người nhà đưa tới Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn để thăm khám. Tại đây, em P. được các bác sĩ thăm khám rồi cho thuốc về nhà uống.
Đến khoảng 2 giờ ngày 3-1, em P. xuất hiện triệu chứng ho nhiều nên gia đình đã thuê xe đưa đến Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn để cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu, truyền nước cho em P.. Khoảng 20 phút sau, nữ sinh này bị co giật và tử vong.
Sau khi xảy ra sự việc, rất đông người thân của em P. đã tập trung tại trung tâm y tế, yêu cầu cơ sở này giải thích, làm rõ nguyên nhân.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng phối hợp cùng gia đình xác minh, làm rõ.