Kể từ năm 2014, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch “Săn cáo” và sau đó là "Lưới trời" nhằm truy lùng các quan chức tham nhũng và tội phạm kinh tế lẩn trốn ở nước ngoài đến nay, nước này đã bắt giữ được 2.442 nghi phạm, truy thu số tài sản khoảng 1,25 tỷ USD.
|
Dư Chấn Đông (phải) cựu giám đốc Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Khai Bình, tỉnh Quảng Đông, bị dẫn độ về nước. |
Để dễ dàng “săn” tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài, Trung Quốc thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác tư pháp với các nước trên thế giới. Đến cuối tháng 9/2016, Trung Quốc ký hợp tác khoảng 80 điều ước hỗ trợ tư pháp với gần 60 quốc gia và ký điều ước dẫn độ tội phạm với 46 quốc gia.
Tuy nhiên, theo Global and Mail và NewYork Times, ở những nước chưa có ký kết hiệp ước dẫn độ như Canada, Mỹ,... Trung Quốc đã đưa mật vụ ngầm, cải trang, sang các nước này bằng thị thực du lịch nhằm truy lùng quan tham và tội phạm kinh tế... về nước.
Trong một bài viết năm 2015, tờ Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Bộ công an Trung Quốc phụ trách thực hiện chiến dịch đưa cảnh sát chìm sang hoạt động bí mật tại Mỹ để săn cáo.
Các điệp viên đại lục đến Mỹ bằng hộ chiếu du lịch, áp dụng nhiều chiến thuật để bắt bọn đào tẩu, gồm cả việc dọa người thân còn sống của các nghi phạm ở Trung Quốc. Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ đương nhiệm là ông Barack Obama đã yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hoạt động này. Sau đó, ông Obama cũng đề cập vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nhà Trắng của ông Tập vào tháng 9/2015.
Tại Canada, trong một bài viết năm 2016, tờ Global Mail dẫn lời ông Lorne Waldman, luật sư về vấn đề tị nạn và nhập cư tại Toronto, cho biết, nhiều khách hàng người Trung Quốc tại Canada của ông chia sẻ: Họ nhận được tin nhắn điện thoại từ giới chức an ninh Trung Quốc đe dọa họ cùng gia đình nếu như không trở về nước. Luật sư Waldman cho biết, ít nhất 6 khách hàng của ông thuộc diện bị truy lùng của giới chức Trung Quốc. Theo tờ Global and Mail, hoạt động bí mật như vậy được triển khai từ nhiều năm nay ở Canada.
Lấy ví dụ một vụ việc vào năm 2000, trong đó, ba đặc vụ Trung Quốc xin thị thực vào Canada với vỏ bọc là công nhân của công ty sản xuất giấy vệ sinh National Pulp & Paper Corp. Họ cho biết mục đích sang Canada là để thảo luận với các công ty trong ngành này tại đây về những yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau đó giới chức Canada phát hiện, những người này đến đây để gây sức ép buộc doanh nhân Lai Changxing trở về Trung Quốc vì nghi ngờ buôn lậu và hối lộ. Cuối cùng, ông Lai bị trục xuất khỏi Canada năm 2011 và nhận án tù chung thân tại Trung Quốc vào năm sau đó.
Nguyệt san Tài Tân của Trung Quốc từng có bài viết thừa nhận, hơn 40% trong số 738 kẻ đào tẩu quay lại Trung Quốc trong năm 2015 là do các biện pháp thuyết phục hơn là ép buộc.
Tờ này trích lời một quan chức cảnh sát Thượng Hải cho biết: “Nhiều khi, các thành viên gia đình đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thuyết phục”. Theo ông, “biện pháp này rất hiệu quả. Một nghi can giống như cái diều. Dù họ ở nước ngoài, các sợi dây buộc họ vẫn ở Trung Quốc và chúng tôi có thể tìm thấy họ thông qua người thân”.