Ma-nơ-canh sống và chết như thế nào?

Google News

Thứ không thể thiếu, nhưng thường bị lãng quên khi nhắc đến ngành công nghiệp thời trang chính là mannequin (ma-nơ-canh).

Mặc dù đích ngắm của những chiếc camera và máy ảnh thường là các người mẫu hàng đầu, khoác lên mình những mẫu thời trang mới nhất và sải bước trên thảm đỏ, thì những con ma-nơ-canh vẫn thường đưng trước các cửa hàng quần áo – từ những cửa hàng sang trọng bậc nhất ở Đại Lộ Số 5 Manhattan hay một cửa hiệu bán quần áo nhỏ xíu ở Bắc Kinh – mới là những thứ thu hút sự chú ý của khách hàng.
Ma-nơ-canh chính là một phần linh hồn của nền công nghiệp thời trang thế giới. 
Những con ma-nơ-canh này có gì? Một thân hình thon gọn, toát lên sự sang trọng và luôn thu hút các ánh mắt của mọi người. Mặc dù bị đóng cứng vào một tư thế, nhưng chính sự lặng yên ấy lại khiến chúng trở thành yếu tố thu hút người qua đường phải dừng lại và ước lượng xem liệu số tiền còn lại trong ví có cho phép mình sở hữu chiếc áo mà nó đang khoác lên kia không.
 
Chúng là một vật để hấp dẫn khách hàng, một công cụ để quảng cáo, và là một biểu tượng của ngành công nghiệp thời trang đang phát triển nhanh và mạnh chưa từng có, nhưng trên gương mặt của những con ma-nơ-canh ấy lại không có sự sống, cũng như không có linh hồn.
“Thế nhưng sau khi chụp và chỉnh sửa rất nhiều những tấm ảnh chụp ma-nơ-canh, tôi nhận thấy dường như chúng cũng có chút sức sống”, Oded Balilty, nhiếp ảnh gia người Israel từng được nhận giải Pulitzer, trả lời tạp chí Time. “Chúng không chỉ là một khối plastic vô tri”.
Những tấm ảnh của Balilty đưa ta đến với cuộc đời của những con ma-nơ-canh: từ khi chúng ra đời tại các nhà máy, cuộc sống đằng sau những tấm kính của cửa hàng thời trang đến lúc bị vứt bỏ tại các khu tập trung phế liệu.
Ma-nơ-canh được khoác lên mình những chiếc áo lông sang trọng trên đường phố Bắc Kinh. 
Đầu tiên, nhà nhiếp ảnh gia này đến thăm nhà máy sản xuất ma-nơ-canh “Người hạnh phúc” thuộc thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc và nhà máy Goldsmith ở New York, Mỹ.
Trong những căn nhà kho rộng lớn, ông thấy những cánh tay treo lủng lẳng trên trần nhà, bên cạnh hàng tá những cái đầu làm bằng nguyên liệu tổng hợp, những cơ thể làm bằng sợi thủy tinh và những chiếc hộp đựng đầy cánh tay làm từ giấy bột.
Hàng trăm con ma-nơ-canh vô danh đang xếp thành hàng dọc, đợi chờ để được các công nhân thổi cát, làm sạch, tô vẽ rồi đánh bóng. “Tôi cảm thấy như chúng đang trò chuyện với nhau mỗi khi tôi quay lưng lại.” – Balilty nói.
Mỗi con ma-nơ-canh được bán với giá 55 USD, sau khi được bán, chúng sẽ được bao phủ bằng một chiếc túi nhựa trước khi mang đến các cửa hàng thời trang hoặc các showroom trên toàn thế giới.
Một số được trang điểm kỹ lưỡng và khoác lên mình những bộ cánh được những nhà thiết kế thời trang sáng tạo ra, trong khi số còn lại phải đợi chờ dưới con mắt của những vị thủ kho khó tính.
Những tấm ảnh của Balilty còn cho chúng ta thấy làm thế nào để những con ma-nơ-canh lọt được vào mắt xanh của những khách hàng qua đường: Bốn con ma-nơ-canh được đặt trên một con đường ở Bắc Kinh, khoác lên mình những chiếc áo lông sang trọng; một con xuất hiện trên chiếc xe diễu hành dọc qua các con phố ở Tel Aviv – Israel, với bộ trang phục truyền thống cho lễ Purim – một trong những ngày lễ lớn của người Do Thái; một con khác lại đang chống tay nhìn ra ngoài cửa sổ của một cửa hàng quần áo tại New York.
Nhưng xu hướng thời trang là thứ thay đổi rất nhanh theo thời gian, và những con ma-nơ-canh cũng vậy, hầu hết chúng đều bị vứt ra bãi rác ở đằng sau một khu mua sắm nào đó, nơi mà lớp sơn đẹp đẽ và gương mặt được đánh bóng cẩn thận bị tàn phá bởi những vết nứt, bụi bẩn và sự khắc nghiệt của thời tiết.
Tuy nhiên điều khiến cho Balilty thấy khó hiểu hơn cả chính là những yêu cầu của những người chủ cửa hàng thời trang khi đặt mua những con ma-nơ-canh này. Ông nhận ra rằng họ đều muốn nhà sản xuất tạo ra những con ma-nơ-canh giống hệt nhau: dáng người mảnh, cao, chân dài và vòng ngực lớn.
“Giống như con người, tất cả đều bắt đầu cuộc sống theo cách giống nhau, nhưng khác với đời sống thực, những con ma-nơ-canh luôn được tạo ra với hình dáng từa tựa nhau, dựa theo những gì mà xã hội này tin rằng đó là hình mẫu lý tưởng của cơ thể người”, ông nói.
“Đó là một sai lầm. Phụ nữ là nhóm khách hàng được nhắm đến mạnh nhất, và ngành công nghiệp thời trang đã tẩy não họ và đưa vào đó một ý tưởng duy nhất về cái đẹp, nhưng ý tưởng đó thậm chí không hề gần gũi với đời sống”.
Mời quý độc giả xem video:
Nguồn Youtube
Theo VnTinnhanh

Bình luận(0)