Ngừng bắn ở Syria: Cơ hội chót cho hòa bình?

Google News

(Kiến Thức) - Việc áp dụng chế độ ngừng bắn ở Syria là cơ hội chót dành cho hòa bình, mặc dù khâu thực thi chế độ này còn đầy rẫy khó khăn.

 Video Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lộ "kế hoạch B" về Syria (Nguồn RT):
Trong vai trò đồng chủ tịch Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria, Nga và Mỹ đã nhất trí về sự cần thiết áp dụng chế độ ngừng bắn ở Syria.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trên thực tế, thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn ở Syria đã bắt đầu hiệu lực. Đường dây liên lạc “nóng” được thiết lập, Moscow và Washington đang thương lượng với đồng minh và các nhóm được họ ủng hộ. Các điều kiện để đảm bảo việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những đối tượng có nhu cầu đang được chuẩn bị. Kế hoạch Nga-Mỹ về Syria nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực từ hàng loạt lãnh đạo các nước và Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, tiến trình thực thi kế hoạch ngừng bắn này còn vấp phải vô vàn khó khăn trở ngại.
Thứ nhất, có quá nhiều nhóm vũ trang đang hoạt động tại Syria và rất khó để kiểm soát toàn bộ. Chỉ một phát súng là đủ để phá vỡ cấu trúc thỏa thuận ngừng bắn vốn đã rất phức tạp.
Thứ hai, theo các nhà phân tích chính trị, xung đột Syria từ lâu đã vượt ngoài phạm vi một cuộc nội chiến và có ý nghĩa toàn cầu. Bên trong và xung quanh Syria đang có rất nhiều phía tham gia, lợi dụng tình hình phục vụ mục đích lợi ích riêng của họ. Những lợi ích này đôi khi trùng lặp, đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau. Trong thực tế, hầu hết các nước Trung Đông đang bị cuốn vào cuộc xung đột Syria ở các cấp độ khác nhau, vì những lý do khác nhau: tôn giáo, chính trị, kinh tế hoặc quân sự.
Ngung ban o Syria: Co hoi chot cho hoa binh?
Tổng thống Assad đã có những động thái không hoàn toàn hợp thời, phát tín hiệu không chịu chia sẻ quyền lực.  
Thứ ba, Tổng thống Assad đã có những động thái không hoàn toàn hợp thời. Tiến trình giải quyết chính trị vừa bắt đầu, Tổng thống Syria đã công bố ấn định cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Tư năm nay. Cuộc bầu cử trong đất nước đang có chiến tranh! Bằng quyết định này, ông Assad chứng tỏ với phe đối lập rằng ông sẽ không chia sẻ quyền lực. Nhưng phe đối lập khó công nhận kết quả bầu cử, tất nhiên điều này làm cho cuộc đàm phán giữa người Syria sẽ càng trở nên phức tạp.
Thứ tư, các nhân vật diều hâu ở Mỹ - lãnh đạo CIA và Lầu Năm Góc - không tin tưởng Nga và những nỗ lực của Nga thiết lập ngừng bắn, khởi động đối thoại giữa người Syria. Họ nhấn mạnh phải chuẩn bị "kế hoạch B" phòng trường hợp lệnh ngừng bắn ở Syria bị thất bại. Kế hoạch này có thể bao gồm việc tăng cường hỗ trợ phe đối lập “ôn hòa” ở Syria và áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ không đồng tình với phương án của giới quân sự và đánh giá cao cơ hội thực hiện thỏa thuận ngừng bắn.
Trong khi đó, truyền thông thế giới và lãnh đạo các nước hầu như đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Quan trọng là tạo điều kiện để khởi động một tiến trình chính trị thật sự thông qua đối thoại sâu rộng giữa người Syria tại Geneva do Liên Hợp Quốc bảo trợ”.
Minh Châu (Theo Sputnik)

Bình luận(0)