Quan điểm về cuộc sống, về công việc của phụ nữ Saudi Arabia đang dần thay đổi.
Đây được xem là những cải cách mang tính lịch sử ở Saudi Arabia nhằm thúc đẩy và xây dựng hình ảnh mới về vấn đề bình đẳng giới.
Mới đây, dự án các trường đào tạo giai đoạn đầu gồm các trường mẫu giáo dành cho các trẻ em trai và gái ở độ tuổi từ 4-5 và 3 lớp đầu tiên (lớp 1, 2, 3) thuộc bậc tiểu học với các học sinh từ 6-8 tuổi bước đầu đi vào thực tiễn.
Điều đáng chú ý, lần đầu tiên tại Saudi Arabia, giáo viên nữ sẽ được tham gia giảng dạy cho học sinh nam tại 1.460 trường công lập ở nước này. Tỷ lệ học sinh nam sẽ được giáo viên nữ dạy là 13,5%.
|
Phụ nữ Saudi Arabia. (Ảnh AFP) |
Bà Suaa al-Mansour - trợ lý Giám đốc Sở Giáo dục thành phố Jeddah cho biết dự án trên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giáo dục và đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều có thể tiếp cận được nền giáo dục có chất lượng trên khắp cả nước.
Ở giai đoạn này, giáo viên nữ sẽ gần gũi hơn với các bé trai và khiến chúng ít sợ hãi hơn.
Saudi Arabia từ lâu đã được biết đến là nước có những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ. Họ phải sống lệ thuộc vào đàn ông và chịu nhiều bất công trong xã hội.
Chính Vua Abdullah, người qua đời ở tuổi 91 năm 2015, đã góp phần quan trọng nhằm tăng thêm quyền và cơ hội sống tốt hơn cho nữ giới ở đây.
Theo một bài báo từ Reuters, phụ nữ Saudi Arabia đang dần được "cởi trói" khỏi những luật lệ hà khắc. Họ được đi xem các trang bóng đá, được học lái xe, được tham gia quân đội hay mở cơ sở kinh doanh riêng mà không cần sự đồng ý của chồng hay người thân là nam giới.
|
Phụ nữ Saudi Arabia được lái xe ô tô. |
Ngày 12/12/2015, Saudi Arabia là nước cuối cùng trên thế giới mà phụ nữ được thực hiện quyền của mình trong cuộc bầu cử các hội đồng thành phố, đã có 19 phụ nữ Saudi Arabia đã trúng cử vào các chức danh tại Hội đồng nhân dân thành phố trong cuộc bầu cử địa phương.
|
Lần đầu tiên trong lịch sử, những người phụ nữ tại vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh này được đi bầu cử. |
Chính cuộc bầu cử gửi tín hiệu mạnh mẽ cho xã hội rằng, phụ nữ đang tiếp tục cuộc chiến tham gia nhiều hơn vào đời sống cộng đồng.
Kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman (32 tuổi) được trao quyền kế vị tháng 11/2017, nhiều quy định hà khắc với phụ nữ Saudi Arabia đã được cởi bỏ, mang đến luồng gió mới tại vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh này.