|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (hàng đầu, thứ năm từ phải qua) và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, hội nghị cũng vắng mặt một số nhân vật chủ chốt, như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, người phải hủy chuyến đi do làn sóng bài ngoại bạo lực ở trong nước.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có bài phát biểu khai mạc hội nghị, trong đó nhấn mạnh kể từ hội nghị cấp cao Á-Phi lần đầu tiên tổ chức cách đây 60 năm, nhiều thách thức mà các quốc gia châu Á và châu Phi gặp phải vẫn chưa được giải quyết. Ông cho biết với chủ đề "Tăng cường hợp tác Nam-Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới", hội nghị lần này sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, từ đòi độc lập cho Palestine đến sự cần thiết phải cho ra đời một mô hình hợp tác kinh tế mới nhằm bảo đảm tăng trưởng ổn định và bên vững giữa hai châu lục.
Hội nghị dự kiến sẽ thông qua ba văn kiện cấp cao: Thông điệp Bandung, Tuyên bố về việc làm sống động Quan hệ đối tác chiến lược mới Á-Phi và Tuyên bố về Palestine.
Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu sẽ tham dự các phiên họp toàn thể, các cuộc gặp song phương tại thủ đô Jakarta; dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung, tham gia diễu hành lịch sử, dự lễ khánh thành Tượng đài Á-Phi tại thành phố Bandung.
Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi lần đầu tiên tổ chức tại Bandung, Indonesia từ ngày 18-24/4/1955 với sự tham gia của lãnh đạo 29 nước Á-Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác giữa 2 châu lục. Hội nghị đã đưa ra 10 nguyên tắc Bandung, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở 2 châu lục, trong đó có các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế...
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng hội nghị trong tuần này sẽ tập trung nhiều hơn vào những nước đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của họ với những bên khác tham dự hội nghị thay vì bày tỏ tình đoàn kết. Đặc biệt phải kể đến Trung Quốc – nước đang tìm cách nhanh chóng thắt chặt các mối quan hệ với châu Phi, lục địa có thể giải “cơn khát” tài nguyên của Bắc Kinh trong quá trình phát triển.
Yemen cũng có thể là một chủ đề bàn thảo tại hội nghị, trong bối cảnh một số quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo như Iran có thể gặp nhau bên lề hội nghị để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.