Khách "khát" đổi tiền mới lì xì, ngân hàng cạn tiền chỉ sau nửa giờ

Google News

Nhiều khách xếp hàng dài chờ đợi hơn 2 tiếng đồng hồ trước cây rút tiền tự động (ATM) hay chi nhánh ngân hàng để rút tiền mới vẫn phải ra về tay không.
 

Trò chuyện với báo Singapore The New Paper (TNP), cô Fiona Sim cho biết cô đã xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ tại hệ thống máy rút tiền tự động ATM của ngân hàng POSB ở Trung tâm Toa Payoh để lấy tiền mới dùng cho dịp Tết Nguyên đán.
Cô Sim đứng chờ từ 8h30, và đến 10h30, dòng người xếp hàng vẫn còn hơn 30 khách đứng chờ để máy ATM được bổ sung tiền vào. Cuối cùng, người phụ nữ 38 tuổi này may mắn cũng đã rút được tiền mới, trong khi nhiều người khác thất vọng quay về. Cô Sim bày tỏ: “Tôi không nghĩ rút tiền lâu như này… Thật là phí thời gian”.
Chỉ chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, còn rất nhiều người gặp khó khăn trong việc có tiền mới.
Khach
Người dân xếp hàng rút tiền tại máy ATM ở trung tâm Toa Payoh. Ảnh: TNP/JOSEPH CHUA 
Nhân viên ngân hàng POSB đã thông báo cho khách hàng rằng hàng ngày tiền sẽ được bổ sung vào máy ATM 2 lần. Một khách hàng họ Foo bức xúc nói: “Tôi đến đây 3 lần rồi và máy ATM thì lúc nào cũng trong tình trạng hết tiền mới. Rất khó khăn cho những người già cả như tôi xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ để chờ rút tiền”.
Người phát ngôn của một ngân hàng khác DBS cho biết họ đã ra một chính sách đặc biệt ưu tiên cho những người già và có hoàn cảnh đặc biệt xếp hàng rút tiền mới. Năm nay, ngân hàng DBS tăng số lượng máy ATM từ 36 lên 42. Ba ngân hàng BDS, OCBC và UOB đều có dịch vụ “đặt suất” đổi tiền mới trực tuyến. Người phát ngôn của ngân hàng UOB cho biết số lượng đặt suất online năm nay gấp đôi năm ngoái.
Trong khi đó, khách hàng tại khu trung tâm sầm uất Toa Payoh Hub – nơi cả 3 ngân hàng trên đều có chi nhánh – lại phàn nàn về việc các cơ sở này hết tiền mới chỉ sau nửa giờ mở cửa.
Một khách hàng của UOB, 67 tuổi đã về hưu, chia sẻ: “Tôi xếp hàng 1 tiếng đồng hồ từ 10h30 sáng, nhưng chỉ còn đồng 5 SGD và 50 SGD”.
Người đứng đầu một chi nhánh ngân hàng OCBC tên Koh Ching Ching cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ có lượng tiền mới giới hạn, nhưng ngân hàng lại cung cấp một ứng dụng mobile banking cho khách hàng để xem trước lượng tiền mới tại mỗi chi nhánh. Chính vì vậy họ lấy số trước khi có mặt thực sự tại chi nhánh”.
Trong khi nhiều người còn đau đầu về việc có tiền mới để mừng tuổi, thì những sinh viên như Lim Wei Shun (22 tuổi) đang học tại Đại học Kỹ thuật Nanyang lại tỏ ra không phiền hà gì khi nhận tiền cũ. “Tiền mới hay tiền cũ để trong bao lì xì không có vấn đề gì với tôi. Nó vẫn thực hiện đúng chức năng cơ bản là để mừng tuổi mọi người, chỉ trừ phi đồng tiền rách nát quá thôi”.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)