Kết thúc đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Bất đồng vẫn rất lớn

Google News

Kết thúc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, hai bên cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, song cũng thừa nhận vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung.

Ngày 4/5, phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã kết thúc 2 ngày đàm phán thương mại tại Trung Quốc.
 Mỹ-Trung vẫn còn bất đồng lớn trong đàm phán thương mại.
Hai bên cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại. Tuy vậy, cả hai thừa nhận vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung khác trong vấn đề tranh chấp thương mại.
Theo tuyên bố của Nhà trắng sau 2 ngày đối thoại, đoàn đại biểu Mỹ đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn với Trung Quốc về việc tái cân bằng trong mối quan hệ kinh tế thương mại song phương. Chính quyền Mỹ đã có đồng thuận về việc quan tâm ngay lập tức tới những thay đổi trong mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ- Trung. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ có cuộc gặp với quan chức thương mại Mỹ vừa tham gia đối thoại với Bắc Kinh trong ngày 5/5 để đưa ra các bước đi tiếp theo.
Hãng tin Tân Hoa Xã cũng đánh giá cuộc gặp với Mỹ là tích cực và hiệu quả, với cam kết giải quyết các bất đồng kinh tế và thương mại thông qua đối thoại, tham vấn. Hai bên cũng trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ.
Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian qua, làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, khi hai quốc gia này công bố các danh sách mặt hàng nhập khẩu của nhau phải chịu mức thuế cao hơn.
Chuyến thăm của phái đoàn thương mại Mỹ đến Trung Quốc lần này là một dấu hiệu tích cực để hạ nhiệt các căng thẳng. Mặc dù vậy, cả hai bên đều thừa nhận vẫn còn những bất đồng lớn.
Ngay trước cuộc gặp, hàng loạt các đề xuất được đưa ra về vấn đề thuế, đầu tư cũng như nông nghiệp. Một tài liệu của Mỹ gửi cho phía Trung Quốc trước khi cuộc tham vấn diễn ra. Theo đó, Mỹ yêu cầu Trung Quốc lập tức cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 200 tỷ USD trước năm 2020, chấm dứt trợ giá cho mặt hàng công nghệ tiên tiến và ngừng đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt với nước này.
Tuy nhiên, kết quả đưa ra sau hai ngày đối thoại khá chung chung, chưa có một giải pháp cụ thể nào. Phía Trung Quốc cũng cho rằng, vẫn còn những bất đồng lớn về một số vấn đề và cần phải tiếp tục duy trì thảo luận.
Ngày 4/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tiếp tục có những chỉ trích đối với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ:
“Thế giới gần đây thường xuyên kêu gọi Mỹ cần tôn trọng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quy tắc đa phương. Bản thân trong nội bộ nước Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối về các biện pháp mà Mỹ thông qua. Điều này cho thấy chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại đang đi ngược lại luật thị trường và các quy tắc quốc tế”.
Là hai nền kinh tế lớn nhất nhì toàn cầu, rõ ràng cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng cần phải đảm bảo mối quan hệ kinh tế ổn định và vững chắc, mang lại lợi ích nhiều cho hai quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định, Mỹ không duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc vì cá nhân ông rất tôn trọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 4/5, Tổng thống Trump khẳng định luôn kiên trì với mục tiêu đem lại sự công bằng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Ông Trump cũng cho rằng, phía Mỹ hiện đang rất "thân thiện" với Trung Quốc và lý do là vì ông "rất tôn trọng" nhà lãnh đạo của cường quốc châu Á lớn thứ hai thế giới này. Ông chủ Nhà Trắng còn cho biết sắp tới hai nước sẽ có những thỏa thuận thương mại "phi thường".
Theo Phạm Hà/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)