South China Morning Post mới đây thông tin, tổ hợp nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sẽ sớm đóng cửa.
Tin tức này thực chất đã được dự báo trước. Việc Samsung Huệ Châu (nằm tại Thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đóng cửa đã được đồn đoán từ đầu năm. Hồi cuối tháng 2, Samsung Huệ Châu đã có thông báo ngừng tuyển dụng thêm nhân sự.
|
Nhà máy Samsung Huệ Châu sắp đóng cửa. |
Tờ báo Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn lời ông Steve Huang, kỹ sư làm việc tại nhà máy này 17 năm qua cho biết, số nhân viên tại nhà máy đã giảm xuống còn 4.000 người từ con số 9.000 người vào năm 2013.
Trong khi đó, một chủ nhà tại địa phương chia sẻ: "Tháng trước, tôi nghe nói vài trăm công nhân nhận được khoản bồi thường từ khoảng 10.000 đến hơn 100.000 nhân dân tệ (1.400-14.400 USD) và rời Samsung".
Sức hấp dẫn của Samsung tại thị trường tỉ dân đã giảm sút. Theo số liệu từ các báo cáo kinh doanh của tập đoàn này tại Trung Quốc, năm 2013, Samsung từng dẫn đầu thị trường smartphone Trung Quốc với 20% thị phần. Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, con số này chỉ còn 1%.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong quý đầu tiên của năm 2019, xuất khẩu điện thoại thông minh từ Samsung Huệ Châu giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Samsung cũng đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại thành phố Thiên Tân hồi cuối năm ngoái.
Một trong những lý do khiến Samsung chịu cảnh "thất sủng" đến từ các hãng công nghệ Trung Quốc, có lợi thế tại nội địa và những sản phẩm có giá thành rẻ hơn với cùng tính năng.
Không chỉ Samsung có động thái rút hoạt động khỏi Trung Quốc mà cả gã khổng lồ Google của Mỹ cũng đã phải xem xét về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc lục địa trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ- Trung leo thang.
Google dường như đã chuyển phần lớn việc sản xuất bo mạch chủ sang Đài Loan (Trung Quốc), và dây chuyền sản xuất thiết bị Nest được chuyển sang Đài Loan và Malaysia nhằm tránh bị Mỹ đánh thuế cao lên tới 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vào tháng 3, Google tuyên bố rằng công ty đang mở rộng việc sản xuất thiết bị tài Đài Loan mặc dù không nói rõ chính sách này có liên quan đến đa dạng hóa sản xuất hay không. Công ty cũng đang xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu mới ở các quốc gia khác.
Quyết định rút dây chuyển sản xuất của các gã công nghệ nước ngoài ở thời điểm này đã cho thấy sự hụt hơi của họ trước công ty "sân nhà" của thị trường tỷ dân.
Bất chấp sức ép từ chính quyền Mỹ và làn sóng tẩy chay của các công ty đối tác Mỹ, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei vẫn thành công trong mắt người tiêu dùng lục địa.
Thị phần smartphone của Huawei tại Trung Quốc tăng 7%, trong khi hầu hết hãng còn lại đều "giậm chân tại chỗ" hoặc sụt giảm. Điều này được lý giải là do sức ảnh hưởng quá lớn của thị trường tỉ dân.
Nghiên cứu của Financial Times chỉ ra rằng, những thông tin ồn ào gần đây xung quanh Huawei đang giúp công ty gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu với người dùng Trung Quốc. Điều này đã góp phần vào sự gia tăng về doanh số điện thoại thông minh bán ra của hãng.
Theo đó, hơn 33% người dùng Trung Quốc có xu hướng chọn mua smartphone tiếp theo từ thương hiệu Huawei.
Trên thực tế, không chỉ ở Trung Quốc, người dùng thường dành những mối quan tâm đặc biệt với nguồn gốc sản phẩm họ muốn mua.
Ông Kiranjeet Kaur, Giám đốc cấp cao tại IDC cho biết: “Đó không phải tiêu chí quan trọng nhất khi người dùng quyết định mua hàng. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc hay tình cảm dành cho thương hiệu chắc chắn không giúp được Apple ở Trung Quốc. Nhiều khả năng nó đang khiến người dùng tại đây thay đổi quyết định lựa chọn Huawei nhiều hơn”.
Chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc là một lợi thế nhưng không phải yếu tố quyết định giúp Huawei tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc.
Theo The Verge, lý do chính đến từ việc công ty đã có một quá hình hình thành, phát triển bền vững, lâu dài ở thị trường nội địa. Ngay cả ở thị trường quốc tế, Huawei cũng được biết đến với nhiều công nghệ tiên tiến.
Trong khi đó, Mo Jia, một nhà phân tích của Canalys đánh giá cao chất lượng thực sự mà những chiếc điện thoại Huawei mang đến: "Chủ nghĩa dân tộc có thể giúp Huawei xây dựng hình ảnh khổng lồ tại Trung Quốc. Tuy nhiên nếu không có sản phẩm đủ sức cạnh tranh, công ty sẽ không thể đạt được thành công như cách họ đã làm trong năm 2018. Sự đổi mới liên tục về công nghệ là yếu tố chính góp phần giúp Huawei vươn lên ngang tầm với hai gã khổng lồ điện thoại thông minh hàng đầu là Samsung và Apple trên thị trường toàn cầu”.
Do đó, một khi lệnh cấm của chính phủ Mỹ thúc ép các đối tác của Huawei cắt đứt hợp tác, thị trường tỉ dân và ngay cả bản thân Huawei cũng xác định những điểm chính để "nuôi sống" Huawei, tiếp tục cuộc đấu công nghệ.