|
Yip Kai-foon từng mang cả súng trường AK-47 đi cướp tiệm nữ trang. |
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), một trong những vụ án chấn động nhất Hong Kong khi đó là “vụ giết người Hello Kitty”.
Tháng 5.1999, một chiếc đầu bị cắt rời được tìm thấy bên trong gấu nhồi bông Hello Kitty. Quãng thời gian tháng 5 năm nay cũng đánh dấu tròn 20 năm ngày sự kiện xảy ra.
Nạn nhân Fan Man-yee, 23 tuổi, là một tiếp viên hộp đêm, bị 3 kẻ xã hội đen bắt giữ, giam tại một căn hộ ở khu Tsim Sha Tsui và bị tra tấn suốt một tháng.
Fan được cho là lấy trộm của một trong những kẻ tra tấn mình, Chan Man-lok, 36 tuổi, với số tiền 4.000 đô la Hong Kong. Chan có kế hoạch ép cô gái làm gái mại dâm để trả nợ.
Nạn nhân tử vong sau những màn tra tấn không ngừng của 3 kẻ tội phạm sử dụng ma túy đá. Thẩm phán khi đó là Peter Nguyen đã tuyên phạt 3 kẻ giết người án chung thân. “Chưa bao giờ Hong Kong lại trở nên bạo lực, bất ổn, nguy hiểm như khi ấy”.
|
Vụ giết người Hello Kitty từng gây chấn động Hong Kong năm 1999.
|
Đó là giai đoạn trước và sau khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào ngày 1.7.1997. Các băng đảng Hội Tam Hoàng ở Hong Kong coi đây là cơ hội để hành động, thu lời bất chính.
Một trong những dân anh chị máu mặt nhất bất giờ ở Hong Kong, Yip Kai-foon dùng cả súng trường AK-47 để tấn công tiệm kim hoàn. Các băng đảng Hội Tam Hoàng chiêu mộ thêm thành viên từ đại lục, nhắm đến các cửa hàng trang sức giàu có ở Kowloon và miền trung Hong Kong.
Cheung Tze-keung là một trùm băng đảng tham gia vào vụ bắt cóc Victor Li Tzar-kuoi, con trai cả của ông trùm tài phiệt Hong Kong khi đó là Li Ka-shing. Số tiền chuộc mà Cheung thu về lên tới 2 tỉ đô la Hong Kong.
Địa bàn trải dài từ Hong Kong đến Macau từng là nơi băng đảng 14K của Hội Tam Hoàng thống trị. Ông trùm Wan Kuok-koi (Răng Gãy) từng phát động cuộc chiến đẫm máu với các băng đảng đối địch để kiểm soát nguồn tiền thu được từ các sòng bạc.
Phim ảnh Hong Kong khi đó cũng phần nào phản ánh thực trạng thế giới ngầm. Các băng đảng Hội Tam Hoàng vươn vòi bạch tuộc đến ngành điện ảnh, thậm chí còn tự sản xuất phim riêng, thường ca ngợi hoạt động của các tổ chức xã hội đen.
“Ngành điện ảnh Hong Kong từng một thời phác họa dân xã hội đen như những anh hùng”, cựu sỹ quan cảnh sát Barry Smith nói. “Những cô gái trẻ khi đó bị cuốn vào vòng xoáy với những thanh niên xã hội đen và cứ như vậy”.
|
Ông trùm "Răng Gãy" của băng đảng 14K ra hầu tòa năm 1998. |
Giáo sư xã hội học Karen Joe-Laidler thì cho rằng cả một giai đoạn bạo lực ở Hong Kong một phần do xã hội bất ổn, một phần do sự xuất hiện của ma túy đá.
“Khi sử dụng ma túy đá, con người trở nên nguy hiểm vì họ có thể tỉnh táo trong thời gian dài, không ăn uống hay ngủ nghỉ. Ma túy đá cũng gây hoang tưởng”, Karen nói.
Tình trạng bạo lực những năm 1990 đã trôi qua, nhưng các băng đảng Hội Tam Hoàng thì vẫn còn hoạt động, dù không còn phô trương như trước.
Hồi đầu năm nay, tình trạng bạo lực có xu hướng tái xuất, buộc cảnh sát Hong Kong phải trấn áp các băng đảng, tăng cường khả năng thu thập thông tin ngầm.
“Tôi khi các băng đảng đó vẫn tồn tại trong xã hội Hong Kong. Nhưng không còn điên cuồng như trước. Họ chỉ tập trung kiếm tiền và có lẽ sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Đó là một phần Hong Kong”, Smith nói.
Smith hiện đang tham gia dạy kỹ thuật cho các nhân viên an ninh làm việc tại một số sòng bạc ở Macau.