Ngày 11/3, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là Nhân Đại - tức quốc hội) sẽ bỏ phiếu về việc sửa đổi hiến pháp, bao gồm việc đưa học thuyết chính trị của ông Tập Cận Bình vào bản hiến pháp mới và xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước và phó chủ tịch nước.
Theo AFP, những thay đổi này sẽ trao cho ông Tập Cận Bình dây cương điều khiển đất nước trọn đời. Hiện ông Tập đang trong nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ hai và sẽ mãn nhiệm vào năm 2022 nếu hiến pháp mới không được thông qua.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là "nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông". Ảnh: Getty. |
Theo South China Morning Post, ông Tập Cận Bình thực chất không phải thay đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền lực, bởi chức danh chủ tịch nước là vị trí ít quan trọng nhất trong ba chức danh mà ông đang nắm giữ. Hai chức danh còn lại là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Quân ủy Trung ương vốn không bị giới hạn nhiệm kỳ.
Ông Tập Cận Bình cho rằng các nội dung sửa đổi hiến pháp là cần thiết bởi những thách thức Trung Quốc đang đối mặt không những đòi hỏi nước này phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà còn cần một đảng lãnh đạo thống nhất và vững mạnh.
Trước đó, trong một sự kiện kín với các nhà gây quỹ ở Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi việc Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước và mong muốn Mỹ cũng có thể làm như vậy.
"Giờ thì ông ấy là chủ tịch trọn đời, chủ tịch trọn đời. Ông ấy thật vĩ đại", Reuters dẫn một đoạn ghi âm lời vị tổng thống. "Hãy nhìn xem, ông ấy có thể làm chuyện đó. Tôi nghĩ rằng chuyện đó thật vĩ đại. Một ngày nào đó có thể chúng ta sẽ thử làm thế".