Tân Hoa xã ngày 25/2 đưa tin Trung Quốc sẽ xóa bỏ hạn chế hiến định về số nhiệm kỳ tối đa của chủ tịch và phó chủ tịch nước. Đề xuất được công bố sau cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc một ngày trước.
Điều này có nghĩa là Chủ tịch Tập Cận Bình, người bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai kể từ tháng 10 năm ngoái, sẽ có thể tiếp tục giữ cương vị đứng đầu nhà nước thêm một nhiệm kỳ nữa từ năm 2023.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty. |
Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, năm nay 65 tuổi. Theo quy định của hiến pháp Trung Quốc hiện hành, ông Tập không được giữ chức quá 2 nhiệm kỳ và sẽ rời nhiệm sở vào năm 2023.
Cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra trước thềm hội nghị toàn thể kéo dài 3 ngày của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu từ 26/2. Hội nghị này sẽ thảo luận về vấn đề nhân sự và những đề xuất sửa đổi hiến pháp để trình lên kỳ họp quốc hội thường niên dự kiến diễn ra vào tháng 3 tại Bắc Kinh.
Vài phút sau bản tin trên, Tân Hoa xã tiếp tục cho biết Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đề xuất đưa học thuyết chính trị của ông Tập vào hiến pháp sửa đổi. Trước đó, "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" (gọi tắt là "Tập tư tưởng") đã được bổ sung vào điều lệ đảng.
Hiện tại, Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo duy nhất có tên đi kèm với học thuyết chính trị được đưa vào cả hiến pháp nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lẫn điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, theo AFP.
Ngoài ra, "siêu cơ quan" chống tham nhũng mới với tên gọi Ủy ban Giám sát Quốc gia cũng được đề xuất đưa vào hiến pháp với tư cách một cơ quan nhà nước.