Với sự quan ngại ngày càng tăng về hoạt động hút cát đắp “đảo nhân tạo” qui mô lớn của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và tiếp tục xây dựng các công trình trên đó (trong đó có đường băng dài 3.000 mét cho phép hầu hết các máy bay quân sự Trung Quốc hạ và cất cánh), nhiều nước lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sớm áp đặt một ADIZ nữa ở Biển Đông, tương tự ADIZ mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Hoa Đông hồi tháng 10/2013.
Việc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ mở rộng không phận Trung Quốc và áp đặt nhiều hạn chế đối với máy bay bay qua khu vực. Đây sẽ là động thái mới nhất trong một chuỗi các hành động quyết đoán củng cố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
|
Học giả Wu Sichun - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nhà nước về Nam Hải (Biển Đông) đầy ảnh hưởng ở Trung Quốc. |
Khi được hỏi những gì Trung Quốc nên và không nên làm ở Biển Đông, học giả Wu Sichun - viện trưởng Viện Nghiên cứu nhà nước về Nam Hải (Biển Đông) đầy ảnh hưởng ở Trung Quốc - nói trước một hội nghị chuyên gia ở thủ đô Washington rằng Bắc Kinh không nên đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Học giả Wu Sichun cho rằng không thiết lập
ADIZ ở Biển Đông sẽ là một cách để Trung Quốc báo hiệu sự kiềm chế và giúp giảm căng thẳng ở vùng biển này.
Phát biểu tại hội nghị kéo dài một ngày của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC, viện trưởng Wu Sichun nói: “Trung Quốc nên tránh đơn phương tuyên bố ADIZ (trên Biển Đông).
Khuyến nghị của học giả Wu Sichun xuất phát từ “danh sách nên và không nên làm” ở Biển Đông khá dài mà ông này đề xuất với Trung Quốc và Mỹ.
Khi được tạp chí The Diplomat yêu cầu làm rõ những gì mà Trung Quốc “không nên làm”, học giả Wu Sichun liệt kê một số điều cụ thể như không thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Về “những điều nên làm”, ông Wu Sichun liệt kê bảo vệ tự do hàng hải và tăng tốc công việc soạn thảo một bộ Qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Về phần Mỹ, học giả Wu Sichun nói rằng Washington không nên tìm cách kiềm chế Trung Quốc và phải có một lập trường thật sự trung lập về vấn đề Biển Đông. Ông nói rằng Mỹ nên tiếp cận Trung Quốc về vấn đề Biển Đông một cách "tôn trọng lẫn nhau" và rằng hai bên cần tiến lên phía trước trong lĩnh vực hợp tác quân sự theo tinh thần này.
Ngoài “danh sách những điều nên và không nên làm”, học giả Trung Quốc Wu Sichun cũng đề xuất một cơ chế khu vực để tham vấn các vấn đề hàng hải. Tuy nhiên, ông Wu Sichun không nói rõ sự thích nghi cơ chế này với các cơ chế hiện hành để giải quyết an ninh hàng hải ở Châu Á như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +) và Diễn đàn Hàng hải ASEAN.
Học giả Wu Sichun kiên quyết bác bỏ những gì mà ông coi là sự can thiệp của Nhật Bản trong tranh chấp Biển Đông. Ông Wu nói sự can thiệp này chỉ khiến cho tình hình càng thêm xấu đi.