Các nhà chức trách cho biết, Philippines triển khai máy bay, tàu chiến -bao gồm hai chiến đấu cơ FA-50 và hai tàu khu trục - ở căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Vịnh Subic bắt từ năm 2016. Đây là lần đầu tiên Vịnh Subic lại được sử dụng như một căn cứ quân sự sau 23 năm qua.
Hai chiến đấu cơ tấn công hạng nhẹ FA-50 do tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) chế tạo, những chiếc đầu tiên trong số 12 chiếc đặt hàng hồi năm ngoái, có thể sẽ đồn trú tại Căn cứ hải quân Cubi cũ ở Vịnh Subic từ đầu năm 2016, hai tướng lĩnh Philippines tiết lộ với Reuters. Hai máy bay này sẽ được chuyển giao cho Phillipines vào tháng 12 năm nay.
Toàn bộ phi đội FA-50 cũng có thể đồn trú tại Subic, cùng Phi đội máy bay chiến đấu số 5 được chuyển đến từ một căn cứ ở phía bắc đảo Luzon. Hai tàu khu trục hải quân cũng có khả năng sẽ đồn trú tại cảng Alava trên Vịnh Subic.
|
Tàu USS Shiloh (CG-67) của Mỹ neo đậu ở vịnh Subic, tỉnh Zambales, phía bắc Manila, Philippines ngày 30/5/2015. |
Việc sử dụng Vịnh Subic cho phép không quân và hải quân Philippines ứng phó hiệu quả hơn với các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, theo các chuyên gia an ninh.
Ông Rommel Banlaoi, một chuyên gia an ninh Philippines, nói: “Vai trò căn cứ quân sự của Subic đã được những người Mỹ chứng minh. Các chuyên gia quốc phòng Trung Quốc hiểu rõ điều này”.
Vịnh Subic từng là một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ nhưng đã bị đóng cửa vào năm 1992, sau khi Thượng viện Philippines chấm dứt một thỏa thuận với Washington vào thời kỳ kết thúc Chiến tranh Lạnh. Sau đó, Manila chuyển căn cứ này trở thành một khu kinh tế.
Kể từ năm 2000, các tàu chiến của Mỹ thường xuyên thăm Vịnh Subic, nhưng chỉ neo đậu trong các cuộc tập trận với quân đội Philippines.
Các nhà chức trách cho biết, khi Vịnh Subic lại được sử dụng làm căn cứ quân sự, hải quân Mỹ có thể tiếp cận nơi này nhiều hơn, theo một thỏa thuận mới. Thỏa thuận này cho phép binh lính Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự địa phương, mặc dù nó vẫn đang bị đóng băng do vấp phải sự thách thức của tòa án Philippines.
Ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, Philippines dự tính chi 20 tỷ USD để hiện đại hóa lực lượng có vũ trang trong vòng 13 năm tới.
Bãi cạn Scarborough chiến lược
Theo các chuyên gia an ninh, Vịnh Subic cách bãi cạn Scarborough chỉ có 270 km. Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này từ tay Philippines vào năm 2012 sau tranh chấp kéo dài ba tháng.
Một ngày nào đó, Trung Quốc cũng có thể biến bãi cạn Scarborough thành một hòn đảo nhân tạo, khiến Philippines gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài khơi đảo Luzon, Patrick Cronin - một chuyên gia khu vực tại Trung tâm An ninh mới ở Washington - nhận định.
Chuyên gia Cronin nhận định: “Máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới do Hàn Quốc sản xuất có thể đến bãi cạn Scarborough chỉ trong vài phút. Đồng thời, các máy bay tuần tra, do thám cũng có thể theo dõi mọi động thái của Trung Quốc trong khu vực. Sự trở lại của Vịnh Subic mà lần này do không quân Philippines dẫn đầu là một biện pháp phòng thủ khôn ngoan”.