Hiến pháp quân chủ 1964 của Afghanistan quy định những gì?

Google News

Cho tới nay, Taliban vẫn chưa có bất cứ văn bản hay tuyên bố chính sách nào làm cơ sở điều hành đất nước. Dù thông báo về việc tạm thời thông qua hiến pháp năm 1964 của Afghanistan, nhưng điều này vẫn đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Ngày 28/9, Taliban thông báo tạm thời thông qua các điều khoản hiến pháp năm 1964 của Afghanistan không mâu thuẫn với luật Hồi giáo hoặc luật Sharia để điều hành đất nước. Người phát ngôn của Taliban cũng cho biết, hiến pháp mới đang trong quá trình soạn thảo và sẽ hoàn thành trước năm 2022.
Cho đến nay, Taliban chưa đưa ra bất kỳ tài liệu hoặc tuyên bố chính sách nào cho thấy họ dự định điều hành đất nước như thế nào. Mặc dù thông báo mới này có vẻ như là một tiến bộ, nhưng nó đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, bởi kể từ khi tiếp quản thủ đô Kabul giữa tháng 8 tới nay, có sự khác biệt đáng kể giữa những gì Taliban tuyên bố và những hành động trên thực tế.
Hien phap quan chu 1964 cua Afghanistan quy dinh nhung gi?
Các chiến binh Taliban. Ảnh: AP. 
Hiến pháp năm 1964 là gì?
Afghanistan đã có 4 bản hiến pháp kể từ khi trở thành một quốc gia có chủ quyền vào năm 1747. Bản hiến pháp đầu tiên được soạn thảo vào những năm 1890, thiết lập một hệ thống quân chủ tập trung trên khắp đất nước.
Năm 1923, bản hiến pháp thứ hai được soạn thảo trong đó xác lập nhà vua là cơ quan có chủ quyền chính, Hồi giáo là quốc giáo và luật Sharia là cơ sở của hệ thống tư pháp.
Năm 1963, dưới sự cai trị của vua Zahir Shah, Afghanistan đã ban hành bản hiến pháp tham vọng nhất, có hiệu lực từ năm 1964.
Hiến pháp năm 1964 nhằm chuyển Afghanistan thành một nền dân chủ và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa kinh tế xã hội. Một số yếu tố đáng chú ý nhất của hiến pháp là việc thành lập 2 viện của quốc hội, trong đó hạ viện được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu. Bản hiến pháp này cũng xác định rằng, các luật do quốc hội ban hành sẽ thay thế luật Sharia - một điều khoản mà Taliban sau đó đã đảo ngược.
Bản hiến pháp tồn tại trong 8 năm cho đến khi vua Zahir Shah bị lật đổ. Bất chấp những tham vọng, phần lớn bản hiến pháp này được coi là một thất bại chính trị. Nội các và cơ quan lập pháp liên tục bế tắc và không thể thông qua bất kỳ đạo luật quan trọng nào.
Sau khi NATO đưa lực lượng tới Afghanistan, năm 2004, bản hiến pháp thứ 4 được thông qua, quy định chế độ tổng thống và bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong việc tạo ra một hệ thống quản trị tập trung quá mức, hiến pháp năm 2004 được coi là một văn kiện cao cấp, bị chi phối bởi các giá trị của phương Tây và giới tinh hoa Kabul. Taliban đã bác bỏ hoàn toàn hiến pháp này, coi đó là một thực thể bất hợp pháp và là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Một số điều khoản đáng chú ý của hiến pháp năm 1964
Về nhà nước
“Các công dân không theo đạo Hồi sẽ được tự do thực hiện các nghi lễ của mình trong giới hạn được pháp luật xác định vì sự tôn nghiêm và hòa bình nơi công cộng”.
Bề ngoài, điều khoản này cho phép tự do tôn giáo. Tuy nhiên, vì nó quy định tôn giáo có thể được thực hành “trong giới hạn được xác định bởi luật pháp”, Taliban vẫn để ngỏ việc diễn giải cụ thể.
Theo luật Sharia, Taliban có thể cấm mọi biểu hiện công khai về tôn giáo không phù hợp với các giá trị Hồi giáo. Lực lượng này gần đây bày tỏ họ sẽ tôn trọng quyền của người Sikh và các nhóm tôn giáo thiểu số khác cư trú ở Afghanistan, tuy nhiên, trong thời gian họ cai trị từ năm 1996-2001, các nhóm tôn giáo thiểu số thường xuyên bị đàn áp, biểu tượng của các tôn giáo khác như tượng Phật ở Bamiyan đã bị phá hủy.
Về nhà vua
Có lẽ, Taliban sẽ thay thế quyền lực của nhà vua bằng quyền lực của Thủ tướng Mohammad Akhund hoặc Thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada. Thủ lĩnh tối cao Akhundzada nhiều khả năng được trao quyền lực tương tự như nhà vua trong hiến pháp năm 1964 vì bản hiến pháp này nêu rõ Thủ tướng là một thực thể riêng biệt.
“Nhà vua không phải chịu trách nhiệm giải trình và sẽ được tất cả mọi người tôn trọng”.
“Khi Vua thoái vị hoặc qua đời, Ngôi báu sẽ được truyền lại cho con trai cả của ông. Nếu con trai cả của Nhà vua không đủ tiêu chuẩn được quy định trong Hiến pháp này, thì Ngai vàng sẽ được truyền lại cho con trai thứ của ông…”.
Đúng như dự đoán, “nhà vua” không có trách nhiệm giải trình và được bảo vệ khỏi sự giám sát. Mặc dù không phù hợp với lý tưởng của một nền dân chủ tiến bộ, nhưng điều này không phải là hiếm ở các nền chế độ chuyên quyền hoặc dân chủ phi tự do.
Nếu thực hiện chế độ “cha truyền con nối”, năm 2016, Mullah Yaqoob, quyền Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay và con trai của thủ lĩnh sáng lập Mullah Omar, mới là người trở thành thủ lĩnh tối cao của Taliban chứ không phải Haibatullah Akhundzada.
Trong quá khứ, những người có mối liên hệ chặt chẽ với Mullah Omar thường đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao, lực lượng này không tuân theo chế độ “cha truyền con nối”.
Về quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân
“Người dân Afghanistan, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay ưu tiên nào, đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trước pháp luật”.
Mặc dù Taliban tuyên bố sẽ “mở cửa” cho phụ nữ tham gia chính phủ, nhưng nội các mới cho tới nay không hề có phụ nữ. Tương tự, dù Taliban tuyên bố tôn trọng quyền được học hành của phụ nữ, các thông tin gần đây đều cho thấy phụ nữ đã bị cấm vào Đại học Kabul, bởi theo Taliban, các điều kiện chưa phù hợp để phụ nữ theo học ở đó.
Trong giai đoạn cai trị 1996-2001, phụ nữ, người Tajik và các nhóm không phải người Pashtun bị phân biệt đối xử một cách công khai và có rất ít bằng chứng cho thấy lần này mọi thứ sẽ khác.
“Không ai có thể bị trừng phạt ngoại trừ lệnh của tòa án có thẩm quyền đưa ra sau một phiên tòa công khai với sự có mặt của bị cáo”.
“Không một người Afghanistan nào bị cáo buộc phạm tội có thể bị dẫn độ sang nước ngoài”.
Trong khi hiến pháp ban đầu có các luật lập pháp thay thế luật Sharia, Taliban đã nói rõ rằng, cách diễn giải luật Sharia của họ sẽ được ưu tiên hơn tất cả các luật khác.
Điều khoản thứ hai nhiều khả năng được thông qua vì một số thành viên của Taliban, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao, bị các nước phương Tây truy nã với nhiều tội danh khác nhau, trong đó có cả tội khủng bố. Điều khoản này có thể gây ra các vấn đề ngoại giao, nhưng xét đến việc nhiều quốc gia sẵn sàng đối thoại với Taliban bất chấp mối liên hệ của lực lượng này với chủ nghĩa khủng bố, đây có lẽ không phải là một trở ngại lớn.
“Quyền tự do tư tưởng và biểu đạt là bất khả xâm phạm. Mọi người dân Afghanistan có quyền bày tỏ suy nghĩ của mình bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hình ảnh và các phương tiện khác, phù hợp với các quy định của pháp luật. Mọi người dân Afghanistan đều có quyền in ấn và xuất bản các ý tưởng phù hợp với các quy định của pháp luật mà không cần phải trình trước các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước”.
“Giáo dục là quyền của mọi người dân Afghanistan và sẽ được Nhà nước và các công dân Afghanistan cung cấp miễn phí”.
Như đã đề cập trước đây, tự do ngôn luận và quyền giáo dục là hai vấn đề mà Taliban đã tuyên bố rằng họ sẽ có lập trường ôn hòa hơn so với giai đoạn cai trị trước đây. Tuy nhiên, Taliban khẳng định các phát ngôn không được đe dọa đến an ninh nhà nước và giáo dục chỉ được phép trong một số điều kiện nhất định.
Về Shura (Quốc hội) và Chính phủ
Hiến pháp năm 1964 kêu gọi thành lập hai viện lập pháp. Một là Viện Nhân dân (House of the People) được bầu trực tiếp, tương tự như Lok Sabha, và một viện khác là Viện Trưởng lão (House of the Elders), các thành viên được bổ nhiệm gián tiếp, tương tự như Rajya Sabha. Hiến pháp cũng đề cập đến cách các viện tương tác với thủ tướng và nội các cũng như việc họ phải có trách nhiệm với người dân như thế nào.
“Shura (Quốc hội) ở Afghanistan thể hiện ý chí của người dân và đại diện cho toàn thể quốc gia”.
“Các thành viên của Wolesi Jirgah (Viện Nhân dân) sẽ được người dân Afghanistan bầu chọn trong một cuộc bầu cử tự do theo hình thức phổ thông, bí mật và trực tiếp, phù hợp với các quy định của pháp luật”.
“Thủ tướng và các Bộ trưởng chịu trách nhiệm chung trước Wolesi Jirgah (Viện của Nhân dân) về chính sách chung của Chính phủ và trách nhiệm cá nhân về các nhiệm vụ được quy định”.
Về vấn đề này, Taliban cho biết sẽ tiến hành các cuộc bầu cử tự do. Ông Suhail Shaheen, người phát ngôn của Taliban, cho biết vấn đề này sẽ được xác định trong hiến pháp tương lai.
“Về bầu cử hay không bầu cử, chúng ta hãy chờ đợi. Chúng tôi sẽ có một bản hiến pháp trong tương lai, vì vậy chúng tôi sẽ cân nhắc về điều đó trong thời gian tới. Khi đó, mọi thứ sẽ rõ ràng chứ không phải vào lúc này”, ông Shaheen nói.
Vẫn chưa rõ liệu Taliban có thực hiện tốt những lời hứa ban đầu này hay không và họ sẽ cho phép bầu cử tự do ở mức độ nào. Như với phần còn lại của hiến pháp, những điều khoản này cũng sẽ được đón nhận với nhiều hoài nghi. Taliban cũng vẫn diễn giải hiến pháp trên cơ sở luật Sharia và nhấn mạnh rằng hiến pháp năm 1964 chỉ là tạm thời.
Theo Hoàng Phạm/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)