Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ông trùm Chu Vĩnh Khang từng là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc.
|
Nhà tù Tần Thành ở ngoại ô Bắc Kinh là nơi giam giữ các "hổ lớn". |
Chu Vĩnh Khang giờ đây có khu vườn nhỏ để chồng hoa màu, rau quả ở gần phòng giam, trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt nhất chuyên giam giữ các cựu quan chức “ngã ngựa”.
Trong khi đó, cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và lãnh đạo lực lượng cảnh sát Trùng Khánh Vương Lập Quân không nhìn mặt nhau tại nhà tù nhưng đều có chung một sở thích là thư pháp.
Vương Lập Quân từng là đồng minh của Bạc Hy Lai nhưng mối quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng khi vợ Bạc Hy Lai là Cốc Khai Lai dính líu vào vụ sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. Vì mâu thuẫn này mà Vương Lập Quân từng phải chạy trốn đến đại sứ quán Mỹ.
|
Cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. |
Các thông tin về Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, những cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, được một số người đã và đang làm việc tại nhà tù Tần Thành, tiết lộ với tờ SCMP. Họ không công khai danh tính vì lo ngại khả năng bị chính quyền “sờ gáy”.
Bạc Hy Lai hàng ngày miệt mài luyện thư pháp, nguồn tin tiết lộ. “Vương Lập Quân còn dành nhiều thời gian để học tiếng Anh”.
Nhà tù Tần Thành nằm ở một địa điểm ngoại ô Bắc Kinh, chịu sự quản lý trực tiếp từ Bộ Công an, thay vì Bộ Tư pháp như thông thường. Các tù nhân ở đây bị giam trong những căn phòng rộng 16m2.
Bạc Hy Lai dù đã “ngã ngựa” nhưng vẫn nhận được một số đặc quyền, ví dụ như được mặc trang phục kiểu âu, thay vì bộ đồ tù nhân, theo các nguồn tin.
“Các quản giáo ở Tần Thành biết phải hành xử ra sao với các ‘hổ lớn’. Họ được nhắc nhở rằng tù nhân ở đây không phải người bình thường nên phải kiềm chế, ngay cả khi bị tù nhân nổi nóng”, nguồn tin giấu tên nói với SCMP.
Mặc dù không phải mặc trang phục tù nhân nhưng Bạc Hy Lai vẫn phải tuân thủ một số quy định, nhưng không được đi giày da. Các tù nhân cũng không được mặc quần hay trang phục có dây, tránh tình trạng tự tử.
Đối với Chu Vĩnh Khang, người thân đến thăm còn được mang hoa quả về, do đích thân ông Chu trồng trong khuôn viên nhà tù, theo SCMP.