Tổng Bí thư Tập Cận Bình “thay đổi luật chơi” là nhận định của học giả Wang Xiangwei, cựu Tổng biên tập South China Morning Post (SCMP) và hiện là cố vấn biên tập cho tờ báo này, trong bài viết đăng trên SCMP ngày 29/7/2017.
Ngày 15/7, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc Tôn Chính Tài bị mất chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh và 10 ngày sau, ông bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
|
Trước thềm Đại hội đảng lần thứ 19, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc tìm cách "thay đổi luật chơi". (Nguồn: CNN.com) |
Hiện chưa rõ Tôn Chính Tài bị cáo buộc những tội danh nào, nhưng có chỉ dấu cho thấy sự sụp đổ của ông liên quan đến một người bạn gái thân thiết đã lừa đảo hàng trăm triệu nhân dân tệ của một số tập đoàn nhà nước. Người phụ nữ họ Huang này đã bị cáo buộc sử dụng ảnh hưởng Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài cho lợi ích cá nhân. Ngoài ra, vợ ông Tôn cũng bị thẩm vấn về việc lợi dụng chức vụ của chồng để kiếm tiền và có quan hệ gần gũi với gia đình Lệnh Kế Hoạch, cựu trợ lý của cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Vào tháng 7/2016, Lệnh Kế Hoạch bị bắt giam vì tham nhũng, lạm dụng quyền lực và chiếm đoạt bất hợp pháp bí mật nhà nước.
Trong khi các nhà chức trách từ chối tiết lộ chi tiết những lý do đằng sự sụp đổ của Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi cuộc điều tra ông này là một ví dụ khác về chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Trong một bài bình luận, Tân Hoa Xã viết vụ Tôn chính Tài cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng không chừa một ai và không có ngoại lệ.
Sự thất sủng của ông Tôn Chính Tài có ý nghĩa chính trị quan trọng về nhiều cấp độ, đặc biệt là khi chính trường Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định và khi các nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ tới khu nghỉ hè Bắc Đới Hà để “thương lượng” nhân sự lãnh đạo mới sẽ được phê chuẩn tại Đại hội đảng lần thứ 19 dự kiến tổ chức vào cuối mùa thu năm nay. Tôn Chính Tài cũng là ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đầu tiên bị điều tra trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Vụ việc này cũng cho thấy rõ rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đang phát đi lời cảnh báo không thể nhầm lẫn cho các phe phái khác trong đảng rằng ông là người có tiếng nói cuối cùng về đội ngũ lãnh đạo mới.
Thứ hai, ông Tập Cận Bình có ý định xoá bỏ thủ tục kế nhiệm của đảng mà các thế hệ lãnh đạo trước đây bao gồm Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã đề ra. Khi Đặng Tiểu Bình chọn Giang Trạch Dân làm lãnh đạo đảng vào năm 1989, ông cũng đã chọn Hồ Cẩm Đảo làm người lãnh đạo kế tiếp vào năm 2002. Khi Giang Trạch Dân nghỉ hưu để nhường chỗ cho Hồ Cẩm Đào, hai ông đạt được một thỏa thuận đưa Tôn Chính Tài và Hồ Xuân Hoa, hiện là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, vào Bộ Chính trị để kế nhiệm Tập Cận Bình từ năm 2022. Đã có nhiều tin đồn rằng Tôn Chính Tài được bồi dưỡng để trở thành lãnh đạo đảng hay giữ chức thủ tướng.
Bây giờ sự sụp đổ của Tôn Chính Tài đã khiến cho tương lai của Hồ Xuân Hoa cũng trở nên bấp bênh. Ông Hồ Xuân Hoa sẽ không còn là một ứng cử viên được chọn kế tục vị trí lãnh đạo hàng đầu tại Đại hội đảng sắp tới .
Thời điểm hạ bệ Tôn Chính Tài trước Hội nghị Bắc Đới Hà cho thấy cuộc đấu đá giữa các phe nhóm khác nhau sắp kết thúc.
Chu kỳ tranh giành quyền lực 5 năm luôn có thời điểm căng thẳng nhất là 6 tháng đầu của năm cuối và trước khi triệu tập Hội nghị Bắc Đới Hà thường vào tháng Tám. Các phe phái đấu đá dữ dội về việc đưa người của mình vào đội ngũ lãnh đạo mới, cho đến khi một hoặc hai ứng viên quan trọng bị loại bỏ để có thể đạt được sự cân bằng quyền lực mới.
Điều này đã xảy ra cách đây 5 năm, khi Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai công khai nhắm vào chức lãnh đạo đảng cao nhất trước Đại hội 18. Tuy nhiên, ông Bạc Hy Lai đã bị ngã ngựa trong một vụ bê bối tham nhũng, mở đường thênh thang cho cho ông Tập Cận Bình.
Sự sụp đổ của Tôn Chính Tài sẽ làm tăng thêm sức mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội đảng lần thứ 19. Có nhiều ý kiến cho rằng Tổng Bí thư Tập Cận Bình có ý định đưa ra các quy tắc mới về cách lựa chọn các nhà lãnh đạo và có những lời đồn đoán rằng Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Vương Kỳ Sơn sẽ tiếp tục làm thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc.
Theo luật lệ kế thừa không chính thức của cựu Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, các thành viên Thường vụ Bộ chính trị bắt buộc phải từ chức tại đại hội đảng 5 năm tổ chức một lần, nếu họ 68 tuổi trở lên. Ông Vương Kỳ Sơn hiện đã 69 tuổi.
Theo ông Wang Xiangwei, nhiều ý kiến cho rằng Tổng Bí thư Tập Cận Bình có ý định giữ ông Vương Kỳ Sơn ở lại Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng việc thay đổi “các quy tắc bất thành văn” của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân xem ra rất khó khăn, ít nhất cho đến bây giờ.