Ngày 28/2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc sớm hơn dự kiến mà không đạt được bất cứ thỏa thuận chung nào. Ngay sau đó, nhiều chuyên gia và nhà phân tích đã đưa ra quan điểm riêng của họ cũng như "mổ xẻ" kết quả của cuộc gặp lịch sử này.
Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ và cũng là nhà phân tích của CNN John Kirby cho rằng “Việc không đưa ra được tuyên bố chung ở một điểm nào đó và nguyên nhân có thể là do 'khác biệt quá lớn về kỳ vọng giữa hai bên”.
|
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận chung tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Ảnh: Reuters. |
“Một mặt, rõ ràng là thất vọng vì lẽ ra họ nên tiếp tục bằng một quy tắc khung cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, tôi không cho rằng Tổng thống Trump đã quá cứng rắn vì đã bỏ dở cuộc đối thoại - điều đó thể hiện thế mạnh”.
Chuyên gia Kirby nói thêm: “Nhiều người dự đoán Tổng thống Trump sẽ nhượng bộ nhiều trước hội nghị này. Nhưng việc ông ấy không làm vậy và sẵn sàng bỏ đi cho thấy ông ấy không sẵn sàng nhượng bộ vì lợi ích mà thỏa thuận này mang lại (cho mình)”.
Còn Joseph Yun, một cựu nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên, bình luận kết thúc đột ngột của Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 cho thấy một sự "thiếu chuẩn bị".
"Bạn biết đấy, tôi đã tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh. Thông thường, các cuộc gặp thượng đỉnh liên quan đến rất nhiều hoạt động ở các cấp độ làm việc. Lần này, chúng tôi đã nhận thấy sự thiếu chuẩn bị và cảm thấy lo lắng về điều đó", Yun nói.
Theo Yun, tình hình tại Washington có thể đã tác động đến hội nghị thượng đỉnh lần 2 này.
Trong một tuyên bố, tổ chức Korea Peach Network (KPN), cho hay "việc không đạt được một thoả thuận không nên bị coi là dấu hiệu cho thấy biện pháp ngoại giao không mang lại hiệu quả".
Mời độc giả xem thêm video về cuộc đàm phán song phương giữa hai phái đoàn tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2
"Ngoại giao đóng góp vào an ninh của Mỹ và bán đảo Triều Tiên hơn là cấm vận kinh tế và các mối đe dọa của lực lượng quân sự. Tuy nhiên, ngoại giao cần có thời gian và rõ ràng vẫn còn nhiều việc phải làm", CNN dẫn lời Chủ tịch tổ chức KPN, Kevin Martin.
Trong khi đó, ông Akira Kawasaki, thành viên của ICAN (Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân) cho rằng không có gì quá ngạc nhiên khi cuộc đàm phán lần này không đạt được kết quả như các bên kỳ vọng.
“Không có gì đáng ngạc nhiên với kết quả của cuộc đàm phán lần này. Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy những Hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”, ông Akira bình luận.
“Đây là lý do tại sao các Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao cần phải liên kết với các cuộc đàm phán thực tiễn. Ngay cả khi Hội nghị Thượng đỉnh đánh giá là thành công thì vẫn sẽ khó giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong một sớm một chiều", nhà phân tích Van Jackson cho hay.