Hôm 3/3, Liên hợp quốc cho biết đây là ngày bạo lực nhất kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Theo đó, 38 người đã thiệt mạng khi chính quyền quân sự trấn áp, dập tắt các cuộc biểu tình ở một số thị trấn và thành phố ở nước này.
“Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1/2. Có 38 người chết. Hiện đã có hơn 50 người chết kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra và nhiều người bị thương”, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener, cho biết tại New York.
|
Hôm 3/3 được xem là “ngày chết chóc nhất” kể từ khi đảo chính ở Myanmar với gần 40 người chết. (Ảnh: Reuters) |
Một cơ quan cứu trợ cho biết, trong những người thiệt mạng có 4 trẻ em. Truyền thông địa phương của Myanmar đưa tin, hàng trăm người biểu tình đã bị bắt.
Các nhân chứng kể lại, cảnh sát và binh lính đã nổ súng bằng loạt đạn bắn trực tiếp vào người biểu tình mà không đưa ra cảnh báo. “Thật kinh khủng, đó là một vụ thảm sát. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả hoàn cảnh và cảm xúc của chúng tôi”, Reuters dẫn lời nhà hoạt động Thinzar Shunlei Yi cho biết.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar, Christine Schraner Burgener đã có cuộc điện đàm với Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, cảnh báo quân đội nước này có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ từ một số quốc gia sau các hành động đối với người biểu tình.
“Câu trả lời là: Myanmar đã quen với các lệnh trừng phạt và chúng tôi vẫn sống sót”, Schraner Burgener nói với các phóng viên ở New York về câu trả lời của Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win. “Khi tôi cảnh báo rằng Myanmar sẽ bị cô lập, câu trả lời là: Myanmar phải học cách đi cùng với chỉ một vài người bạn”, Schraner Burgener nói.
Các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về tình hình Myanmar vào hôm 5/3, trong một phiên họp kín.
Trước đó vào 28/2, có 18 người biểu tình thiệt mạng và gần 30 người bị thương.
Trong diễn biến liên quan đến tình hình Myanmar, hôm 2/3 diễn ra cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN để bàn về Myanmar. Tuyên bố chung sau cuộc họp kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực; tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và mang tính xây dựng, hòa giải vì lợi ích của người dân Myanmar.