Hôm 2/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định ủng hộ người con trai cả của mình, Hun Manet, kế nhiệm ông làm thủ tướng nước này nhưng phải qua bầu cử. Tuyên bố này càng tiếp thêm sức mạnh cho những đồn đoán lâu nay rằng nhà lãnh đạo Campuchia đã và đang chuẩn bị cho con trai ông lên cầm quyền.
Tuy nhiên, do ông Hun Sen chưa có kế hoạch nghỉ hưu nên có thể phải mất một thập niên nữa để tướng Hun Manet có được cơ hội này.
|
Bức ảnh ông Hun Manet được Thủ tướng Hun Sen đăng trên Facebook cá nhân. |
Thăng tiến ngoạn mục
Hun Manet sinh năm 1977, là con trai của Thủ tướng Hun Sen và phu nhân Bun Rany. Lớn lên và học trung học tại thủ đô Phnom Penh, ông nhập ngũ năm 1995 và cũng trong năm nay, ông theo học Học viện Quân sự Mỹ West Point. Năm 1999, ở tuổi 21, Hun Manet trở thành người Campuchia đầu tiên, cũng là 1 trong 7 học viên nước ngoài tốt nghiệp Học viện quân sự nổi tiếng này.
Năm 2002, Manet hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học New York, và sau đó là chương trình tiến sĩ tại Đại học Briston (Anh) năm 2008. Tất cả các bằng cấp của ông đều về chuyên ngành kinh tế.
Giới phân tích tập trung nhiều vào việc Hun Manet theo học tại West Point. Họ coi đây là biểu tượng, là cầu nối thể hiện mong muốn nối lại quan hệ giữa Mỹ và Campuchia sau chiến tranh lạnh. Kể từ khi Hun Manet trở về nước, quan hệ giữa Phnom Penh với Washington đã nở rộ. Tháng 8/2005, Mỹ dỡ bỏ hạn chế trợ giúp quân sự cho Campuchia. Năm 2007, Mỹ nối lại viện trợ nước ngoài trực tiếp với Phnom Penh. Campuchia trở thành nước đứng thứ ba nhận viện trợ nước ngoài của Mỹ tại Đông Á sau Indonesia và Philippines.
Trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học tập vào năm 2008, Manet được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng đặc biệt chống khủng bố Campuchia. Ông được cho là người đóng vai trò nổi bật trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài 4 ngày giữa Campuchia và Thái Lan tại ngôi đền Preah Vihear hồi năm 2011, ghi dấu ấn bằng việc thiết lập đàm phán ngừng bắn giữa hai bên.
Cùng trong năm 2011, khi tuổi đời vừa chớm 34, Hun Manet được phong lên Tướng và giữ chức Phó Tư lệnh Lục quân các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF). Trước đó, Manet được đề bạt chức Phó Tư lệnh Lực lượng vệ sĩ bảo vệ Thủ tướng Hun Sen và Phó chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân RCAF.
Năm 2018, Hun Manet được phong hàm đại tướng 4 sao để phù hợp với chức vụ quyền Tổng tham mưu trưởng mới được bổ nhiệm trước đó, trong khi vẫn là Phó tư lệnh RCAF. Ông Tea Banh, thời điểm năm 2018 là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, khẳng định thành tích này hoàn toàn dựa vào năng lực và kinh nghiệm của ông Manet chứ không liên quan gia thế.
Hiện nay, Hun Manet đang mang quân hàm Đại tướng, giữ các chức Phó Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF), Tư lệnh lực lượng Lục quân, Tư lệnh Lực lượng chống khủng bố và Phó Tư lệnh lực lượng Vệ binh của Thủ tướng Hun Sen.
Ngoài các vị trí quan trọng trong quân đội, Hun Manet còn thăng tiến nhanh chóng trong hệ thống chính trị. Tháng 12/2018, ông được bầu vào Ủy ban thường vụ đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Năm 2020, ông được thăng chức từ Phó bí thư lên Bí thư trung ương đoàn thanh niên CPP. Ông cũng đảm nhiệm chức Phó Ban Dân vận Ủy ban Trung ương đảng Nhân dân Campuchia (CPP).Theo dõi sự thăng tiến nhanh chóng của Manet, nhiều nhà phân tích chính trị tin rằng Hun Manet đang được chuẩn bị để cuối cùng sẽ lên thay vị trí của cha ông.
Trong giới trẻ Campuchia, Hun Manet được lòng nhiều người với hình ảnh một chính khách học vấn cao, luôn cư xử chừng mực và dễ gần. Tài khoản Facebook của ông có hơn 950.000 người theo dõi.
'Triều đại' chính trị
Vào năm 2023, người dân Campuchia dự kiến bỏ phiếu bầu thủ tướng tiếp theo.
|
Ông Hun Manet. Ảnh: Phnom Penh Post |
Phát biểu tại lễ khánh thành một cơ sở xử lý nước thải mới ở tỉnh Preah Sihanouk hôm 2/12, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ sự ủng hộ đối với khả năng con trai ông sẽ kế nhiệm mình.
"Hôm nay, tôi tuyên bố ủng hộ con trai tôi làm Thủ tướng Campuchia, nhưng điều đó phải diễn ra thông qua bầu cử", hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Hun Sen bày tỏ quan điểm tại buổi lễ.
Ông Hun Sen cũng ủng hộ ý tưởng thiết lập một triều đại chính trị. Ông nêu ví dụ: "Ngay cả Nhật Bản cũng có triều đại chính trị của họ, như cựu Thủ tướng Abe. Ông của ông Abe là thủ tướng và từng tới thăm Campuchia. Cha ông Abe là một ngoại trưởng và bản thân ông Abe là một thủ tướng".
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cho biết chặng đường trở thành thủ tướng của con trai ông có thể còn một thập niên nữa, và không đề cập đến kế hoạch nghỉ hưu của mình.
Trong cuộc bầu cử năm 2018, đảng CPP của ông Hun Sen đã giành được mọi ghế trong Quốc hội sau khi Tòa án Tối cao giải tán đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia – đảng đối lập chính – trước đó một năm.
Thủ tướng Hun Sen là một trong những lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới, đã nắm quyền 36 năm. Ông và phu nhân Bun Bary có 6 người con, trong đó có ba con trai gồm Manet, Manith và Many, đều là những gương mặt nổi bật trên chính trường Campuchia.