Quyết sách đối ngoại đậm dấu ấn cá nhân
Ông Trump trong năm đầu nhiệm kỳ đã điều chỉnh một loạt chính sách quan trọng theo hướng giảm bớt các cam kết đa phương và ưu tiên quan hệ song phương, tạo ra một “làn sóng rút, rời” trong các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, biên giới và nhập cư.
Với lý do lấy lại việc làm và công bằng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, Tổng thống Trump đã chỉ tên một loạt quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Chú trọng thương mại song phương, ưu tiên trong nước, người đứng đầu Chính quyền Washington không ngần ngại đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận đa phương là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay khởi động đàm phán lại thỏa thuận khu vực vốn ổn định là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có năm đầu nhiệm kỳ gây tranh cãi. Ảnh: THX/TTXVN |
Là một trong những “ống khói” lớn của thế giới, nhưng Tổng thống Trump lại đưa nước Mỹ ra khỏi quỹ đạo chung khi rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Không hài lòng về đóng góp kinh phí nhiều hơn, Mỹ còn quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Lo ngại về làn sóng nhập cư, ông Trump cũng đã quyết định đưa Mỹ đứng ngoài Hiệp ước Di trú toàn cầu (GCM), trong khi ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước Hồi giáo…
Những quyết định trên thể hiện rõ tính chất thực dụng trong chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Mỹ hiện nay. Không những vậy, các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ cũng chịu tác động trực tiếp từ những biến động chiến lược này. Đó là việc Mỹ từ chối công nhận Iran tôn trọng thỏa thuận quốc tế năm 2015 nhằm đảm bảo bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân nước này. Lập trường này đã và đang dẫn đến nguy cơ gây đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
Với những phát ngôn liên tiếp gây bất lợi cho châu Âu liên quan đến vấn đề Brexit hay mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong khuôn khổ Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với động thái đình chỉ một số dự án hợp tác hai bên, trong đó có Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các đồng minh châu Âu hoài nghi về mối quan hệ khăng khít vốn đã được hai bên duy trì hơn 70 năm qua.
Quan hệ Mỹ-Trung dường như đã được cải thiện sau hàng loạt cuộc tiếp xúc trên tất cả các kênh, đáng kể nhất là 3 cuộc tiếp xúc của nguyên thủ hai nước. Tuy nhiên, hành động chỉ đạo bất ngờ tấn công tên lửa vào Syria ngay trước khi dùng bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4/2017 đã khiến giới phân tích tin rằng ông muốn gửi đi thông điệp: Tổng thống Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo số một thế giới.
Trong năm qua, cuộc khẩu chiến Mỹ - Triều không ngừng leo thang căng thẳng khi lãnh đạo hai nước liên tục đưa ra những lời đe dọa, bao gồm tấn công quân sự. Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ có thể hứng chịu "hỏa lực và thịnh nộ" sau khi nước này tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 9/2017.
Quan hệ Mỹ-Nga đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, khi hai bên liên tục có các biện pháp trả đũa ngoại giao lẫn nhau, bắt nguồn từ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba, cũng như hai nước láng giềng gần gũi Canada và Mexico không thực sự “yên ấm”, thậm chí còn có bước thụt lùi.
Trái với tiền lệ chọn các nước láng giềng như Canada hoặc Mexico là điểm công du đầu tiên của các tổng thống tiền nhiệm, ông Trump đã lựa chọn Trung Đông. Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm địa điểm Bức tường Phía Tây ở Jerusalem trong lúc đương chức (những tổng thống tiền nhiệm đều chỉ đến đây với tư cách cá nhân). Tổng thống Trump cũng đến khu Bờ Tây và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, điều được kỳ vọng là giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, rốt cuộc ông đã đẩy tiến trình này vào bế tắc bằng quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố linh thiêng này.
Điểm sáng - tối trong chính sách đối nội
Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết” cụ thể như chú trọng đầu tư trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại, giảm bớt nhiều quy định kinh doanh, thậm chí là bỏ qua các quy định, quy tắc thương mại quốc tế…, môi trường kinh doanh tại Mỹ phần nào được giải phóng.
Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3,3% trong quý III/2017 được coi là một chiến thắng lớn của Tổng thống Trump, bởi trước đó, các chuyên gia kinh tế nhiều lần cho rằng mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông đề ra là phi thực tế.
Tháng 12/2017, Tổng thống Trump đã ký ban hành Luật cải cách thuế mà theo ông là cuộc cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ 30 năm qua. Mục tiêu của đạo luật này là cắt giảm thuế cho các gia đình Mỹ cũng như khuyến khích các công ty đa quốc gia của Mỹ đầu tư trong nước, theo đó tạo thêm việc làm cho người dân. Tuy nhiên, chính đạo luật này và nhiều quy định khác của ông Trump lại đang khiến nước Mỹ chia rẽ sâu hơn. Dù đạo luật mới cắt giảm thuế cho hộ gia đình và doanh nghiệp, song cũng hủy bỏ một phần đạo luật chăm sóc y tế giá rẻ (Obamacare). Nhiều ý kiến cho rằng đạo luật này sẽ khiến bất công xã hội gia tăng khi chỉ làm lợi cho những người giàu và siêu giàu, còn những người nghèo và trung lưu thì càng nghèo đi.
Ngoài ra, hàng loạt sắc lệnh của ông Trump đã vấp phải sự phản đối của dư luận, như việc bãi bỏ chương trình tạm hoãn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ dưới 16 tuổi (DACA), vấn đề kiểm soát súng đạn...
Một khó khăn khác đối với Tổng thống Trump năm qua là những trở lực từ chính nội bộ. Tiến trình thành lập nội các mới diễn ra chậm chạp và liên tục có những xáo trộn về nhân sự khi hàng loạt vị trí cấp cao bị thay thế, hoặc đang bỏ trống. Ngoài ra, ông Trump cùng các cộng sự đang phải đối mặt với cuộc điều tra nghi án "móc ngoặc" với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016.
Tất cả những khó khăn ấy khiến ông Trump trở thành vị tổng thống Mỹ có mức uy tín thấp kỷ lục trong năm cầm quyền đầu tiên khi có khoảng 60% người Mỹ không hài lòng về sự điều hành của ông. Năm 2018 sẽ khó khăn với ông Trump khi Mỹ tiến hành bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, sự kiện vốn theo truyền thống được coi là “không thuận lợi” cho các tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên. Thách thức lớn nhất mà Tổng thống Trump phải đối mặt là mở rộng thành phần ủng hộ để có thể lật ngược tình thế và viết tiếp giấc mơ "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".