"Chiến sự ở Ukraine đã diễn ra được bảy tuần rồi. Mọi người đang chết dần", cựu Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Klaus, viết trên trang tin tức iDNES gần đây. "Tuy nhiên, không có cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc nào được diễn ra. Ngược lại, thay vì kêu gọi các cuộc đàm phán như vậy, chúng ta chỉ đang nghe về các chiến hạm hay sự gia tăng cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine".
Ông Vaclav Klaus lãnh đạo Cộng hòa Séc từ năm 2003 đến năm 2013 và từng đảm đương cương vị Thủ tướng trong hai nhiệm kỳ, đặt ra nghi ngờ về việc "cuộc xung đột hiện tại liệu có chỉ giới hạn ở Nga và Ukraine hay không". "Đó có thực sự là một cuộc xung đột giữa phương Tây và Nga, trong đó Ukraine 'không may' là 'đối tượng thích hợp'?", Klaus viết.
|
Cựu Tổng thống Cộng hòa Séc Vaclav Klaus. Ảnh: Getty Images |
Cựu Tổng thống Cộng hòa Séc lập luận rằng, "phương Tây và Nga phải ngồi vào bàn đàm phán càng sớm càng tốt", đồng thời đưa ra gợi ý về viêc Mỹ, EU và Trung Quốc nên tham gia vào các cuộc đàm phán.
"Tôi luôn vô cùng xấu hổ về cách người Séc đối xử với những người di cư Ukraine làm việc tại đất nước chúng tôi, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Thế nhưng, hiện tại, đột nhiên tất cả mọi người bỗng 'tuôn trào tình yêu thương' đối với Ukraine và người dân của họ. Phải chăng tình yêu này không chỉ là 'vỏ bọc cho sự căm ghét nước Nga', như một quan chức, người mà tôi không quen biết, đã viết trong một email gửi tới tôi?", ông Klaus bày tỏ.
Ông chia sẻ thêm: "Cũng chính người đó đã viết cho tôi rằng, 'tất cả mọi người đã bị mù quáng bởi mong muốn hủy diệt nước Nga, ngay cả khi phải trả giá bằng sự tự hủy hoại cũng như 'tàn phá' kinh tế của châu Âu'. Đã đến lúc phải dám đặt ra vấn đề này. Chúng ta cần học hỏi từ lịch sử. Vì yêu thương ai đó mà ghét bỏ người khác là cái cớ tồi tệ và nông cạn. Tình hình bi thảm ở Ukraine không thể giải quyết bằng tình yêu hay sự căm ghét. Lý trí và chủ nghĩa thực dụng phải chiếm ưu thế".
Những lập luận của ông Klaus xuất hiện trong bối cảnh các quốc gia thành viên NATO gửi vũ khí đến Ukraine, từ tên lửa chống tăng & phòng không đến xe bọc thép và máy bay không người lái cảm tử. Nhiều nước phương Tây, bao gồm cả các thành viên EU, đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moscow, trong đó một số kêu gọi cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
Nga sau đó cũng có những động thái đáp trả. Một trong số đó là việc Tổng thống Vlamir Putin ký sắc lệnh yêu cầu người mua từ những quốc gia và vùng lãnh thổ bị coi là "không thân thiện" thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, mà theo các nhà phân tích là "mũi tên trúng hai đích", không chỉ hỗ trợ tỷ giá đồng Rúp, mà còn "dỡ bỏ một cách khách quan các lệnh trừng phạt của SWIFT đối với Nga.