Nước cờ chót
Ngày thứ 4 sau khi bị bắn rơi, O' Grady đã trải qua không ít lần trong tình trạng sinh mạng ngàn cân treo sợi tóc. Anh kể: "Lúc ấy là gần cuối buổi chiều, tôi đang cố gắng đi thêm chừng 2 dặm nữa (khoảng hơn 3km) trước khi tìm chỗ ngủ thì bất ngờ tôi nghe tiếng người nói. Thoạt đầu tôi tưởng dân thường nhưng khi nhìn kỹ, tôi biết họ là lính Serb với quần áo rằn ri, mũ len trùm đầu, súng AK trên tay. Theo ước lượng, họ chỉ còn cách tôi chừng 150m".
Không thể bỏ chạy vì sau lưng O'Grady là một khoảng đồng trống. Chưa biết tính sao thì anh nhìn thấy một cái hố lớn. O'Grady kể: "Dưới hố có rất nhiều xác người nằm chồng lên nhau. Qua trang phục, tôi đoán có lẽ đó là người Bosnia và Croatia bị lính Serb thảm sát".
|
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong buổi lễ vinh danh O'Grady. |
Không một phút chần chừ, O'Grady nhào xuống hố, nằm lẫn giữa những cái xác. Giây lát, nhóm lính Serb đi tới, đứng trên miệng hố và vừa nói chuyện với nhau, vừa nhìn xuống. Anh kể: "Tôi nằm đó, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nhưng tôi vẫn cố chịu đựng dù rất muốn mửa. May mắn là bộ quần áo bay sau gần 4 ngày trốn chui trốn lủi đã rất bẩn nên họ không nhận ra tôi. Khoảng hơn 2 phút, bọn họ bỏ đi. Tôi nằm nán thêm 10 phút nữa, lúc ánh mặt trời đã khuất hẳn mới dám bò lên. Đêm hôm ấy, tôi khốn khổ vì lũ côn trùng, chúng bu khắp người tôi vì cái mùi tử thi thối rữa quyến rũ chúng".
Một lần khác, lúc O'Grady đang co ro trong một cái hốc, được tạo ra bởi những rễ cây chằng chịt thì lính Serb đi ngang, chỉ cách chỗ O'Grady khoảng 3m. Vậy mà chẳng ai nhận ra anh ta: "Lối đi rất rậm rạp khiến họ vừa bước, vừa phải dùng tay vạch những cành, lá che phủ trước mặt. Có lẽ vì thế nên họ không để ý xung quanh. Tôi cầm khẩu súng ổ quay có 6 viên đạn trên tay, thầm nghĩ ít nhất tôi cũng phải bắn hạ 2 hoặc 3 tên trước khi tự sát".
Ngày thứ 5, O'Grady thấy yếu hẳn đi. Buổi sáng lúc thức dậy, phải khó khăn lắm anh mới co chân lên được. Anh nói: "Cả ngày hôm qua, tôi chẳng có thứ gì bỏ vào miệng ngoài mấy loại quả dại. Pin của máy truyền tin đã gần hết. Dùng miếng bọt biển, tôi thấm những giọt nước đọng trên những lá cây rồi vắt vào chiếc túi nylon nhưng cũng chẳng được nhiều. Trong giây lát, tôi nghĩ rằng mình sẽ chết".
Suốt cả ngày thứ 6, phi công O'Grady chỉ đi chừng 4km. Hy vọng được cứu thoát càng lúc càng mong manh. Trong lúc ấy, NATO và Không quân Mỹ vẫn không ngừng tìm kiếm. Bằng cách huy động thêm 2 máy bay tác chiến điện tử EF-111A Raven và 2 máy bay cảnh báo tầm xa AWACS. Không một tín hiệu radio nào xuất phát từ khu vực chiếc F16 bị bắn rơi, thoát khỏi tầm kiểm soát của NATO nhưng im lặng vẫn chỉ là im lặng. Đại tá Philips Osborn, tham gia cuộc tìm kiếm cứu hộ cho biết: "Ngoài khơi bờ biển Adriatic còn có tàu khu trục USS Kearsarge với một đại đội Lính thủy đánh bộ Mỹ, sẵn sàng nhảy vào trong trường hợp tìm thấy O'Grady, nhưng bị lính Serb cản trở cuộc giải cứu".
Đến ngày thứ 7, O'Grady quyết định chơi nước cờ chót. Sau khi kiểm tra lại máy truyền tin và biết rằng lượng pin chỉ còn có thể dùng được khoảng hơn 1 tiếng, anh vặn núm xoay đến đúng tần số cấp cứu rồi bóp 3 lần vào phím tổ hợp. O'Grady kể: "Cứ cách 1 phút, tôi lại bóp phím 3 lần. Tổng cộng trong 3 phút, tôi phát tín hiệu 9 lần. Đó là quy ước".
Số phận của O'Grady vẫn còn rất may mắn khi một chiếc máy bay tác chiến điện tử EF-111A Raven nhận được tín hiệu này, dù là rất yếu vì nó ở cách chỗ O'Grady 70km trong lúc máy truyền tin của O'Grady chỉ có thể hoạt động tối đa trong phạm vi 65km với điều kiện thời tiết tốt. Ngay lập tức, phi công điều khiển chiếc EF-111A Raven báo về Trung tâm chỉ huy cuộc cứu hộ.
Thông tin cực kỳ nhạy cảm này lại vô tình bị tiết lộ bởi tướng Ronald Fogleman, chỉ huy trưởng Không lực NATO ở Đông Âu khi ông nói với các phóng viên đang tham dự một buổi lễ: "Chúng tôi có đủ cơ sở để tin là đại úy O'Grady vẫn còn sống. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy O'Grady trước khi người Serb bắt được anh ta…". Kỳ diệu thay, cuộc cứu hộ đại úy O'Grady đã thành công trước khi tin này tràn ngập trên các tờ báo xuất bản sáng ngày 8.6.
Gần 10 phút sau khi phát tín hiệu cấp cứu, máy truyền tin của O'Grady vang lên 3 tiếng "bip" rồi tiếp theo là một giọng nói: "Đại bàng non, đây là Tổ". Vội vã bóp phím tổ hợp, O'Grady trả lời, giọng không giấu được sự hồi hộp: "Tổ, đây là đại bàng non". O'Grady kể lại: "Giây lát, phía bên kia hỏi tôi: "Ở Hàn Quốc, anh thuộc phi đội nào? Tôi biết đó là thủ tục kiểm tra an ninh để xác định người đang nói chính là tôi nên tôi đáp: "Jincheon" - "Đã rõ. Rất vui mừng vì anh vẫn còn sống. Hãy đợi ở đó, sẽ có người đến cứu anh. Hết!".
Thoát chết
Người vừa liên lạc với O'Grady là đại úy Thomas Singfield, phi công F16 thuộc không đoàn chiến thuật 510. Sau khi nhận lệnh từ Bộ Chỉ huy NATO ở Đông Âu, Thomas Singfield - lúc ấy đang tuần tra trên vùng cấm bay, đã lập tức cho chiếc F16 hướng về phía phát ra tín hiệu.
Thomas Singfiled kể: "Trong đời tôi, có lẽ chưa một âm thanh nào mà tôi đã từng nghe, lại khiến cho tôi vui sướng bằng giọng nói của O'Grady. Tôi định sẽ bay vòng trên đầu anh ta ít lâu nữa để giữ vững tinh thần cho anh ta nhưng tôi chợt nhận ra rằng điều ấy rất có thể sẽ khiến quân Serbi chú ý nên tôi quay trở lại với nhiệm vụ". Theo O'Grady thì: "Lúc ấy tôi quên hẳn cơn đói đang giày vò. Tôi chạy thật nhanh đến sát bìa rừng, nơi có một khoảng trống. Tay tôi cầm sẵn khẩu súng bắn pháo hiệu, chờ nghe thấy tiếng trực thăng là tôi bóp cò".
4 giờ 40 phút sáng ngày 8.6, đô đốc Leighton Smith, chỉ huy trưởng lực lượng phía nam của NATO, gọi đại tá Martin Berndt, chỉ huy trưởng đơn vị Thủy quân lục chiến trên tàu USS Kearsarge, ra lệnh cho ông ta khẩn trương tiến hành chiến dịch giải cứu. Chỉ trong 9 phút, 2 trực thăng CH-53 Sea Stallion với 51 Thủy quân lục chiến thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8, Sư đoàn viễn chinh số 24 đã cất cánh.
Hộ tống họ là 2 trực thăng vũ trang AH-1W SuperCobra và 2 máy bay phản lực lên thẳng AV-8B Harrier. Bên cạnh đó, còn có 4 máy bay tác chiến điện tử gồm 2 chiếc EA-6B Prowler và 2 chiếc EF-111A Raven, làm nhiệm vụ dò tìm vị trí của O'Grady, đồng thời phá sóng liên lạc của quân Serb. Chưa hết, nhóm cứu hộ còn được tăng cường thêm 2 chiếc tiêm kích F/A-18 D Hornet, 2 máy bay chống xe tăng A-10 Thunderbolt và 1 máy bay cảnh báo tầm xa AWACS. Một lực lượng cực kỳ hùng hậu chỉ để giải cứu 1 người!
6 giờ 35 phút sáng ngày 8.6, máy bay trực thăng CH-53 Sea Stallion tiếp cận khu vực nơi O'Grady phát ra tín hiệu cấp cứu. Các phi công nhìn thấy một pháo hiệu màu vàng, bắn đi từ một gốc cây, cạnh một bụi rậm. Chiếc trực thăng thứ nhất do thiếu tá William Tarbutton chỉ huy sà xuống sát mặt đất, 20 lính thủy đánh bộ nhảy ra, thiết lập vành đai phòng thủ trong lúc chiếc thứ hai cũng xuống theo.
Trung úy Martin, thuộc đơn vị Thủy quân lục chiến kể: "Tôi nhìn thấy một người mặt mày hốc hác, mặc bộ quần áo bay đầy bùn đất, súng ngắn cầm tay, lao về phía trực thăng". Lập tức, 6 lính thủy quân lục chiến nhảy xuống, kéo O'Grady lên chiếc CH-53 Sea Stallion. Không đầy 7 phút, cả hai trực thăng lần lượt bốc lên, nhiệm vụ giải cứu đại úy phi công O'Grady đã hoàn thành. Một lính thủy quân lục chiến đưa cho O'Grady gói thực phẩm dã chiến, là cơm trộn thịt bò sấy khô với lời dặn hãy nhai chậm rãi từng miếng nhỏ. O'Grady nói: "Bình thường tôi không bao giờ ăn loại này vì nó chỉ dành cho lục quân. Nhưng bây giờ tôi thấy nó ngon hơn tất cả mọi sơn hào hải vị".
Ngay lúc ấy, máy bay cảnh báo sớm AWACS phát hiện một hệ thống rada điều khiển tên lửa 2K12 Kub của người Serb, bố trí ngay cạnh bờ biển thuộc vùng lãnh thổ Croatia nên đã xin phép Bộ Chỉ huy NATO Đông Âu cho máy bay tiêm kích F/A-18 D Hornet khai hỏa tiêu diệt.
Tuy nhiên, yêu cầu này bị từ chối vì Bộ Chỉ huy NATO Đông Âu e rằng hành động ấy sẽ khiến cho cuộc xung đột lan rộng hơn. Việc từ chối dẫn đến hệ quả là phía Serb phóng lên 3 tên lửa đất đối không 2K12 Kub nhưng không trúng đích vì phi công của 2 chiếc trực thăng - sau khi được thông báo về nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa, đã rất khôn ngoan khi chỉ bay cách mặt đất 50m trong lúc độ cao hiệu quả của loại 2K12 Kub tối thiểu phải là 70m.
Đổi lại, thân trực thăng dính nhiều viên đạn do hỏa lực cá nhân của lính Serb từ dưới đất bắn lên, trong đó có 1 viên xuyên vào chiếc bi-đông đựng nước uống của 1 lính thủy. Trung sĩ Angel Castro Jr, xạ thủ súng minigun 6 nòng trên chiếc CH-53 Sea Stallion thứ nhất nói: "Vì không được phép chứ nếu không, tôi thừa sức quét sạch bọn họ".
7 giờ 15 phút, thiếu tá William Tarbutton gửi một thông điệp về Trung tâm cứu hộ. Ông chỉ nói ngắn gọn: "Chân ướt", nghĩa là nhóm cứu hộ đã hạ cánh xuống tàu khu trục USS Kearsarge, và tất cả đều an toàn. Đại úy O'Grady nhớ lại: "Chỉ đến lúc ấy, tôi mớI thật sự tin là mình còn sống"
Anh hùng bất đắc dĩ
3 tiếng sau, tin tức về việc cứu hộ O'Grady thành công xuất hiện tràn ngập trên các tờ báo xuất bản ở Mỹ. Nước Mỹ gọi O'Grady là "anh hùng". Tuy nhiên, trong nội bộ Không quân Mỹ, đã nổ ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt về sự an toàn của các phi công khi thi hành nhiệm vụ ở những vùng đang xảy ra chiến sự.
Thiếu tướng J. F. Keagan, Tư lệnh Không đoàn ném bom chiến thuật 81 nói: "Việc O'Grady bị bắn rơi và cách thức tìm kiếm anh ta đã bộc lộ nhiều thiếu sót. Không quân Mỹ cần xem xét kỹ lưỡng về kế hoạch giải cứu phi công". Trung tá Davis Vaught, phi công F15 thuộc Lực lượng 77 phản ứng nhanh cho biết: "O'Grady đã vi phạm kỷ luật khi bay tác chiến. Anh ta chỉ mặc bộ quần áo bay thay vì phải mang theo những trang bị đúng quy định để có thể sống còn trong môi trường thù địch".
Chuyên gia tên lửa McComick thuộc Bộ Tư lệnh NATO ở Đông Âu nói: "Căn cứ vào tường trình của phi công Bob Wright, người đã bay chung với O'Grady thì tên lửa của phía Serb đã định vị họ 2 lần nhưng O'Grady vẫn chủ quan vì anh ta cho rằng 2K12 Kub không có thiết bị dẫn đường bằng tia hồng ngoại".
Thiếu tá McDonnel, chỉ huy chiếc máy bay C130 trinh sát điện tử nhận xét: "O'Grady rõ ràng là chẳng biết cách sử dụng máy truyền tin và hệ thống định vị toàn cầu vì nếu biết, anh ta đã được cứu sống chậm nhất là ngày thứ 2 sau khi bị bắn rơi. Tôi đồng ý khi mọi người gọi O'Grady là anh hùng, nhưng đó là một "anh hùng bất đắc dĩ…".