Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều trong tuần tới để thảo luận về khả năng Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 sắp diễn ra tại PyeongChang, cũng như cải thiện mối quan hệ của hai nước.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã chủ động thông báo với Seoul rằng họ chấp nhận lời đề nghị mới của Hàn Quốc cho các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai bên vào hôm 2/1.
"Hai bên đã quyết định thảo luận về các vấn đề cũng như cấp độ làm việc chung cho các cuộc hội đàm sắp tới bằng cách trao đổi các tài liệu ngoại giao”, Baik Tae-hyun - Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc trong cuộc họp báo mới nhất cho biết.
|
Lần đầu tiên kể từ năm 2015, Bình Nhưỡng chủ động đưa ra các đề nghị về đối thoại với Seoul điều chưa từng có tiền lệ. Ảnh: Today Online. |
Động thái này diễn ra khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ sẵn sàng cử một phái đoàn đến Thế vận hội PyeongChang sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay và tuyên bố Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho một cuộc đàm phán liên Triều về vấn đề này. Ngay lập tức phía Seoul cũng đưa ra các đề xuất mang đầy tính thiện chí.
Thỏa thuận trên diễn ra ngay sau khi Hàn Quốc và Mỹ thống nhất trì hoãn cuộc tập trận chung sẽ diễn ra trước Thế vận hội Mùa đông, còn Triều Tiên luôn xem các cuộc tập trận này là hành động khiêu khích từ phía Hàn Quốc. Do đó qua sự kiện trên có thể thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hoàn toàn có thể hạ nhiệt nếu các bên chấp nhận “hy sinh” một phần lợi ích của mình.
Theo dự kiến cuộc hội đàm cấp cao liên Triều đầu tiên sau 2 năm kể từ tháng 12/2015 sẽ diễn vào ngày 9/1 sắp tới tại Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự DMZ.
|
Chính sách đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in liệu thực sự có tác dụng với những diễn biến bất ngờ trong những ngày đầu năm 2018. Ảnh: The Journal. |
Cuộc hội đàm trên cũng đánh dấu một phần thành công trong chính sách đối thoại trong hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái. Tổng thống Moon được cho là người luôn theo đuổi chính sách mềm dẻo với Bình Nhưỡng hơn là cứng rắn so với người tiền nhiệm của mình. Tuy nhiên, việc Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như tên lửa đã buộc Tổng thống Hàn Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn đối với Bình Nhưỡng nhưng đồng thời ông cũng không từ bỏ chính sách đối thoại.
Mời độc giả xem video: Hàn Quốc lo ngại du khách bay nhầm đến Triều Tiên trong Olympic mùa đông 2018. (Nguồn VTC 14)
Sau sự kiện này Seoul hy vọng rằng mối quan hệ liên Triều sẽ có chiều hướng phát triển tốt hơn và có thể giúp mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và các cuộc đàm phán rộng hơn giữa Mỹ và Triều Tiên.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Triều Tiên chủ động đối thoại với Hàn Quốc làm nhằm kêu gọi Seoul tác động lên Liên Hợp Quốc nới lỏng các lệnh cấm vận đang được siết chặt hiện tại đối với nền kinh tế mỏng manh của Bình Nhưỡng. Mặt khác sự ấm lên của của mối quan hệ liên Triều còn có thể khiến liên minh Mỹ-Hàn kéo dài hàng thập kỷ sẽ sớm rạn nứt.